Thứ sáu 22/11/2024 23:08

Thủ đô Hà Nội với sự nghiệp giải phóng miền Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
 Là Thủ đô, trái tim của cả nước, Hà Nội có trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn hai mươi năm, Thủ đô Hà Nội luôn hướng về miền Nam, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đến thắng lợi cuối cùng. 
thu do ha noi voi su nghiep giai phong mien nam

Thanh niên Thủ đô Hà Nội phấn khởi lên đường tòng quân chống Mỹ, cứu nước năm 1972. Ảnh: TTXVN

Sáng mãi tinh thần “vì miền Nam ruột thịt”

Trong khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa sau năm 1954, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn sẵn sàng tinh thần “hướng về Nam”, tuyến đầu Tổ quốc. Nhiều công trình được đặt tên nói lên nguyện vọng thiết tha thống nhất đất nước: Công viên Thống Nhất, Nhà máy Diêm Thống Nhất, Nhà máy Điện cơ Thống Nhất, Nhà máy Cơ khí Giải Phóng… Cuối năm 1956, trước hành động vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơnevơ của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, nhân dân Thủ đô đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình, tuần hành kịch liệt phản đối. Ngày 8-10-1960, Thủ đô Hà Nội tổ chức lễ kết nghĩa với thành phố Huế, thành phố Sài Gòn quật cường. Ngày 28-5-1961, hơn 30 vạn nhân dân Thủ đô mít tinh, tuần hành phản đối Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào miền Nam nước ta.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, Thủ đô Hà Nội đã đẩy mạnh phong trào thi đua “vì miền Nam ruột thịt”. Tháng 4-1962, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã khởi xướng phong trào “Ngày thứ bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc”, được toàn thể người lao động Thủ đô nhiệt liệt hưởng ứng. Đại hội lần thứ III Đảng bộ thành phố (tháng 7-1963) đã ra nghị quyết về phát triển rộng rãi phong trào “Ngày thứ bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” thành phong trào của tất cả các nhà máy, công trường, xí nghiệp của Thủ đô. Nhiều công trình xây dựng, sản phẩm mới, chất lượng tốt tiếp tục được đặt tên hướng về miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Đảng về chi viện chiến trường miền Nam, Hà Nội vinh dự được tham gia, đóng góp ngay từ đầu. Năm 1959, từ Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động mở “đường mòn giải phóng” - đường 559 - đường Hồ Chí Minh. Thủ đô vinh dự được làm Tổng trạm giao liên, tổng kho tiếp vận cho miền Nam. Nhiều khối phố, số nhà ghi dấu các lớp tập huấn, lớp học tập của cán bộ các ngành chuẩn bị “đi B”. Nhiều công xưởng, làng xóm trở thành nơi thí nghiệm, hiệu chỉnh, bao gói vũ khí, quân trang… chuyển vào chiến trường.

Hưởng ứng Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại “Hội nghị chính trị đặc biệt”, ngày 30-5-1964, Thành ủy Hà Nội đã ra nghị quyết về “đẩy mạnh cao trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam”. Chỉ 4 ngày sau khi đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, ngày 9-8-1964, sinh viên Thủ đô đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, mở đầu cho phong trào hàng triệu thanh niên miền Bắc xung phong lên đường chiến đấu.

Khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, Hà Nội là mục tiêu tổng hợp để chúng mong muốn đạt được ý đồ đen tối. Song, quân dân Thủ đô luôn bảo vệ vững chắc trung tâm chính trị của cả nước, tổ chức chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại. Nhiều máy bay giặc Mỹ đã tan xác trên bầu trời Hà Nội. Lớp lớp thanh niên Thủ đô hăng hái lên đường tiếp viện cho miền Nam.

Vừa sản xuất, vừa chiến đấu với tâm nguyện hết lòng, hết sức vì miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô có nhiều đóng góp lớn. Trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường có phong trào “nhận thêm việc, làm thêm giờ, thay cho người đi chiến đấu”, phong trào “phụ nữ tự quản” phát triển rất sôi nổi. Ở các nhà máy: Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt 8-3, Ô tô 1-5, gỗ Cầu Đuống, Dược phẩm I…, công nhân đã làm thêm hàng chục vạn giờ và nhận thêm hàng trăm công việc thay cho người đi chiến đấu. Ở nông thôn, phong trào chăm bón đồng ruộng, tăng năng suất, sản lượng, thi đua bán nhiều lương thực, thực phẩm cho Nhà nước được nông dân đẩy mạnh.

Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người

Tháng 8-1965, Ban Thường vụ Thành ủy ra nghị quyết chuyên đề về giao thông, vận tải. Từ đây, Hà Nội đã xây dựng hệ thống cầu, phà dự phòng, hình thành nhiều đường vòng, đường tránh. Lực lượng bảo đảm giao thông được tổ chức chặt chẽ và huấn luyện chu đáo. Chỉ trong 2 năm (1966-1967), đầu tư cho giao thông, vận tải tăng 5,5 lần so với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), chiếm 27,8% tổng vốn đầu tư toàn thành phố. Các đội “thanh niên xung kích”, đội “cảm tử vượt sông” được thành lập và hoạt động tích cực, bảo đảm cho giao thông liên tục, thông suốt qua Thủ đô. Nhiều làng, xã tham gia bảo vệ các đoạn đường trọng điểm chạy qua, bảo vệ các bến phà lúc nào cũng thông suốt. Nhiều lần, cầu Long Biên, cầu Đuống bị phá, nhưng đã có các bến phà, cầu phao bảo đảm cho hàng nghìn xe và hơn 2 vạn lượt người qua sông trong ngày. Mạch máu từ trái tim Thủ đô luôn truyền đều và đủ cho miền Nam đang chiến đấu.

Năm 1972, khi R.Nixon tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, quân và dân Hà Nội không nao núng. Hơn 20 vạn cán bộ, nhân dân tiếp tục đi sơ tán. Các trận địa của dân quân, tự vệ bắn máy bay tầm cao, tầm thấp và tổ chức phục vụ bộ đội chiến đấu, đánh trả giặc Mỹ rất quyết liệt. Ngày 10-5-1972, ngày đầu tiên đánh phá lại Hà Nội, 9 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Những ngày sau đó, Hà Nội đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.700 trên miền Bắc. Ngày 7-7-1972, Sư đoàn Phòng không Hà Nội bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 trên bầu trời Hà Nội. Tự vệ Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Phân lân Văn Điển, dân quân xã Mễ Trì cũng đã bắn rơi máy bay Mỹ… Những chiến thắng vang dội đó làm nức lòng cả nước, cổ vũ mạnh mẽ đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Hướng ra tiền tuyến, năm 1972, hơn 15.000 thanh niên Thủ đô lên đường chiến đấu, trong đó có hàng nghìn sinh viên gác bút nghiên ra trận…

Trước thất bại không thể cứu vãn, Mỹ chấp nhận dự thảo “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, nhưng sau đó lại lật lọng, mở chiến dịch tập kích chiến lược mang tính hủy diệt vào miền Bắc, gây sức ép đòi thay đổi hiệp định. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội đã khẩn trương tổ chức cho gần 30 vạn dân đi sơ tán cấp tốc, các trận địa chiến đấu và tổ chức phục vụ chiến đấu được củng cố…

Ngay trong ngày 19-12-1972, máy bay B52 đã đánh phá ác liệt ở Hà Nội. Những ngày sau đó, chúng ném bom vào Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên và nhiều địa điểm ở ngoại thành, trong đó có địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ)… Trong 12 ngày đêm ấy, giặc Mỹ muốn biến Hà Nội thành bãi chiến trường trong cuộc đánh úp mà chúng chắc thắng, để khuất phục ta, nhưng đã thất bại thảm hại. Hà Nội cùng với cả miền Bắc đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược quy mô nhất của đế quốc Mỹ. 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 B52, bắt sống 43 giặc lái, cái gọi là “uy thế không lực Hoa Kỳ” bị chôn vùi. Trong chiến công chung đó, quân và dân Hà Nội bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 B52. Thủ đô Hà Nội đã tỏ rõ ý chí, sức mạnh quật cường của Việt Nam. Thế giới ngợi ca Hà Nội là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người…

Trận “Điện Biên Phủ trên không” làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ miền Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo điều kiện để thực hiện lời dạy của Bác Hồ “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Với ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm và sáng tạo, Thủ đô Hà Nội luôn tiêu biểu cho tinh thần quyết tâm và sức mạnh của cả nước, tinh thần và sức mạnh Việt Nam. Cùng với sức người, sức của, Thủ đô đã hoàn thành trọng trách vẻ vang với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Theo Hà Nội Mới
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động