Thứ sáu 17/05/2024 09:49
Giải đáp pháp luật

Thời hạn xét xử phúc thẩm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm như sau:
Ảnh minh hoạ: Một phiên toà xét xử vụ án dân sự
Ảnh minh hoạ: Một phiên toà xét xử vụ án dân sự

Hỏi: Xin quý báo cho biết, thời hạn xét xử phúc thẩm là bao nhiêu ngày? Tôi là đương sự trong một vụ án dân sự. Vụ án của gia đình tôi từ khi toà thụ lý đến nay là 11 tháng nhưng chưa xét xử phúc thẩm có đúng quy định của pháp luật hay không?

(Phạm Anh Tuấn, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm như sau:

“Điều 286. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

1. Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tuỳ từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:

a) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

c) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Thời hạn quy định tại Điều này không áp dụng đối với vụ án xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài.”

Theo quy định tại Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu trên, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là 02 tháng, đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng. Như vậy tối đa trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải ra một trong các quyết định: (1) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; (2) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; (3) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Đồng thời, Điều 499 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định:

“Điều 499. Quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự có thể bị khiếu nại”

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành tố tụng dân sự ban hành nếu có khiếu nại, kiến nghị thì không giải quyết theo quy định của Chương này mà được giải quyết theo quy định của các chương tương ứng của Bộ luật này.”

Đối với trường hợp bạn hỏi, vụ án được Tòa án thông báo thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm đã 11 tháng chưa được đưa ra xét xử phúc thẩm là vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Để bảo đảm quyền lợi của mình, bạn có thể trực tiếp đến gặp Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm hoặc làm đơn yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm đưa vụ án ra xét xử. Bạn cũng có thể khiếu nại đến Chánh án Tòa án đang thụ lý vụ án về hành vi chậm đưa vụ án ra xét xử của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa theo quy định của khoản 1 Điều 499 Bộ luật Tố tụng dân sự.

B.A
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động