Thị trường lao động được kỳ vọng chuyển động theo hướng tích cực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN sẽ tiếp tục tăng |
Nhiều điểm sáng
Ngay từ đầu năm 2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023. Mục tiêu của Kế hoạch là giải quyết việc làm mới cho 162.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 4% trong năm 2023. Để đạt được điều đó, TP đã đưa ra nhiều giải pháp đã được đề ra như:
Hỗ trợ phát triển thị trường lao động; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động, quan tâm đầu tư trường dạy nghề chất lượng cao, nghề trọng điểm... để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động Thủ đô. Đồng thời, TP tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường mới tiềm năng cũng như các thị trường truyền thống…
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, với sự phục hồi tích cực của kinh tế Thủ đô trong năm 2022 và tháng đầu năm 2023, tình hình thị trường lao động được kỳ vọng có những chuyển động tích cực trong quý I/2023. Ước tính, tổng nhu cầu tuyển dụng là khoảng 100.000 - 120.000 vị trí việc làm.
Ngoài ra, sau Tết Nguyên đán, một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Vận tải - logistics; dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng; công nghệ - thông tin… với tổng nhu cầu tuyển dụng là khoảng 100.000 - 120.000 vị trí việc làm.
Ông Vũ Quang Thành, Phó GĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong năm 2023 có thể có những hướng mới về hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm, tiếp tục từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ hiện đại hóa dần hoạt động các phiên giao dịch việc làm cũng như các công tác về hoạt động nghiệp vụ thông tin thị trường lao động; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho các phiên giao dịch việc làm cũng như công tác tư vấn, giới thiệu việc làm của năm nay.
Thúc đẩy Xuất khẩu lao động chất lượng cao
Thị trường XKLĐ đang mở ra nhiều cơ hội cho cả lao động phổ thông và lao động chất lượng cao. Các thị trường thu hút nhiều người lao động Việt Nam tới làm việc là Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan…
Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab, Bộ LĐ-TB&XH) liên tiếp thông báo các đợt xuất cảnh đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS). Riêng trong 2 ngày (13-14/2), gần 300 NLĐ ở nhiều tỉnh, thành sẽ sang Hàn Quốc làm việc trong nhiều ngành nghề.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, để thực hiện được mục tiêu năm 2023, cần tiếp tục giữ ổn định thị trường lao động truyền thống, từng bước mở rộng đối với những thị trường mới. Điểm quan trọng là cần khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc về chính sách, tạo các thủ tục thông thoáng, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo hỗ trợ tốt cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phải đào tạo để thúc đẩy XKLĐ chất lượng cao, có tay nghề, có trình độ.
Theo thống kê, hiện nay 90% lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn là lao động phổ thông. Phân khúc lao động chất lượng cao mới chỉ chiếm khoảng 10%. Năm 2023 mục tiêu của việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài không còn đơn thuần là xóa đói giảm nghèo, mà để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi để trở về khởi nghiệp.
Tính từ đầu tháng 1 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 21.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong đó thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 95%.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nhằm nâng chất lượng nguồn nhân lực, chúng tôi đề nghị các DN thực hiện tốt gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo mối liên kết giữa các cơ sở giáo dục, các trường, cũng như các DN dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để đào tạo, chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, trình độ của thị trường lao động nước ngoài.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Đình Hùng, tính đến nay đã có hơn 99,4% DN mở cửa sản xuất với trên 98% số công nhân lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng đầu năm của các DN cũng đang có xu hướng tiếp tục gia tăng. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại