Thứ sáu 22/11/2024 20:24

Thí điểm ủy quyền cho cán bộ tư pháp trực tiếp ký chứng thực là sự cải cách TTHC phù hợp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ ngày 1-7-2021, TP Hà Nội thực hiện thí điểm ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch các phường trực tiếp ký chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Đến nay đã cho thấy đây là sự cải cách TTHC phù hợp, cách làm này đang giúp giảm chi phí, thời gian chờ đợi cho người dân.
-	Thí điểm ủy quyền cho cán bộ tư pháp trực tiếp ký chứng thực giảm chi phí và thời gian chờ đợi cho người dân
Thí điểm ủy quyền cho cán bộ tư pháp trực tiếp ký chứng thực giảm chi phí và thời gian chờ đợi cho người dân

Chuyển đổi số trong lĩnh vực Hộ tịch - Chứng thực

Vừa qua, UBND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức mở lớp “Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hộ tịch – Chứng thực” với hình thức tập huấn trực tuyến. Báo cáo viên Nguyễn Minh Dũng - Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp truyền đạt các nội dung về đăng ký hộ tịch điện tử, việc kết nối giữa đăng ký khai sinh với cấp thẻ BHYT và kết nối với hệ thống một cửa điện tử của UBND TP Hà Nội.

Theo ông Đỗ Gia Ánh - Phó trưởng Phòng Tư pháp, quận Nam Từ liêm thì trong những năm gần đây, quận Nam Từ Liêm là một trong những đơn vị thực hiện việc chuyển đổi số trong lĩnh vực Hộ tịch - Chứng thực; các tài liệu trong lĩnh vực này được chuyển đổi từ dữ liệu giấy sang giữ liệu số đảm bảo sự kết nối trong ngành tư pháp.

Năm 2021 là năm đầu tiền thực hiện mô hình “Chính quyền đô thi” theo Nghị quyết 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội và Nghị định 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2021 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình Chính quyền đô thi tại TP Hà Nội.

Theo đó có sự phân cấp, ủy quyền về cơ sở trong hoạt động chứng thực; công chức Tư pháp-Hộ tịch tại các phường vừa bổ sung quyền ký chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký song gắn với đó nghĩa vụ, trách nhiệm nặng nề.

Vì vậy, quận Nam Từ Liêm luôn quán triệt mỗi cán bộ công chức Tư pháp - Hộ tịch cần xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng hoạt động chứng thực, hộ tịch để làm tốt việc đưa pháp luật chứng thực, hộ tịch vào đời sống tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức ngay từ cơ sở;

Tại buổi tập huấn, ông Ánh đã hướng dẫn các đồng chí cán bộ được cấp chữ ký số trong việc chứng thực bản sao điện tử trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia và giải đáp các vướng mắc về việc đăng ký hộ tịch điện tử và chứng thực bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Là bước cải cách TTHC phù hợp

“Yêu cầu chứng thực chiếm số lượng lớn hồ sơ hành chính ở phường, khi ủy quyền cho công chức trực tiếp ký đã giúp lãnh đạo phường chúng tôi giảm tải được công việc này, có thêm thời gian cho các công tác quản lý khác”, đó là nhìn nhận của bà Phạm Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Đồng, quận Long Biên.

Hiện tại, phường Phúc Đồng có 2 cán bộ tư pháp, trong đó một người được ủy quyền ký chứng thực trực tiếp làm việc tại bộ phận một cửa. Trong trường hợp công chức này có việc cần nghỉ, lãnh đạo UBND phường sẽ ký.

Tại thị xã Sơn Tây, sau khi rà soát các phường công chức tư pháp đều đủ điều kiện, từ ngày 1-7 đến ngày 7-7, các phường đã ban hành Quyết định ủy quyền. Ông Đào Hiến Chương, Trưởng phòng Tư pháp thị xã Sơn Tây cho biết, “qua thời gian đầu thực hiện, cán bộ tư pháp nhiều phường cho rằng việc họ trực tiếp ký chứng thực đã góp phần giảm bớt quy trình nội bộ, giúp cho họ chủ động trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Bên cạnh đó , tôi thấy việc này giúp cho Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND phường có thêm thời gian để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khác, nhất là trong thời điểm cả hệ thống chính trị phải tập trung cho công tác phòng chống dịch hiện nay thì việc này lại càng trở nên rất có ý nghĩa”.

Theo nhiều lãnh đạo UBND phường, quy định Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch ký chứng thực đã giúp nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC, đơn giản hóa quy trình, giảm đáng kể thời gian thực hiện, công dân có thể nhận kết quả ngay khi đến giao dịch tại UBND phường, không phải chờ đợi trong nhiều giờ hay phải đi lại nhiều lần, giảm đáng kể chi phí tuân thủ TTHC.

Chị Nguyễn Thị Thắm, trú tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên chia sẻ: “Tôi vừa lấy kết quả chứng thực một số giấy tờ để phục vụ cho công việc. Việc thực hiện rất nhanh chóng, chưa đến một giờ đồng hồ tôi đã nhận được kết quả. Cán bộ niềm nở, nhiệt tình và chu đáo khiến người dân đến làm các thủ tục hành chính cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng…”.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, thực tế cho thấy, đề xuất ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch phường ký chứng thực của TP Hà Nội là sự cải cách TTHC phù hợp, giảm đáng kể chi phí tuân thủ TTHC cho người dân khi đỡ phải đi lại nhiều lần. Tạo điều kiện cho công chức Tư pháp - Hộ tịch chủ động hơn trong bố trí thời gian giải quyết công việc, giảm áp lực công việc và tăng đáng kể thời gian giải quyết các công việc khác cho lãnh đạo UBND phường. Đây cũng là một trong những nội dung thí điểm chính quyền đô thị đang được Hà Nội nỗ lực thực hiện.

Thống kê của Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, trung bình trong một năm, 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây giải quyết hơn 6 triệu hồ sơ chứng thực bản sao từ bản chính và hơn 200 nghìn hồ sơ chứng thực chữ ký; trung bình một ngày, một phường tiếp nhận và giải quyết từ 80 đến 100 hồ sơ chứng thực.
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động