Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần phát triển kinh tế số của Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác hộ kinh doanh sử dụng mã QR Code thực hiện chuyển đổi số trong kinh doanh buôn bán tại chợ truyền thống tại Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra an toàn, thông suốt
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hà Nội và Sở Công Thương cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua đã diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt.
Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Một số chỉ tiêu đạt được như: tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử ước đạt 45%; tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 96,67%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 99,9%…
Hiện nay tại các chợ dân sinh, các cửa hàng tạp hóa,… trên địa bàn TP Hà Nội hầu hết đều được trang bị mã QR code, không cần dùng tiền mặt, không cần thẻ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể trả tiền trong phút chốc. Kể cả mua từ con cá, mớ rau nhiều người tiêu dùng cũng quét mã QR.
Điển hình trên địa bàn quận Long Biên, mô hình "Chợ 4.0 - chợ không dùng tiền mặt" được triển khai tại chợ Thượng Thanh cũng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Mô hình cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của tiểu thương tại chợ.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người dân, Sở đã kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một cách bài bản và toàn diện các chương trình nhằm phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP.
Thực tế, có rất nhiều hoạt động được thành phố triển khai như: "Chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội" (trong đó có các hoạt động như ngày vàng khuyến mại, sự kiện online xuống phố, ngày hội tiêu dùng 4.0, Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale,...), sự kiện ngày kinh doanh thương mại điện tử, triển khai vận hành có hiệu quả website bản đồ mua sắm TP Hà Nội…
Nhờ việc triển khai có hiệu quả các kế hoạch và chương trình hoạt động đã giúp Hà Nội trong nhiều năm giữ vững hạng 2 so với cả nước về chỉ số Thương mại điện tử (EBI). Đồng thời, tỷ lệ thanh toán kinh doanh thương mại trong thương mại điện tử đạt 45%, lượng giao dịch mua hàng trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 65%.
Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số
Hiện các ngân hàng cũng đều có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng này. Các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: ví điện tử, mobile banking, internet banking, mã QR...
Mục tiêu đặt ra của Hà Nội đến năm 2025 là số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20%-25% hàng năm. Tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP là "Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt".
Ngày 22/9/2023, UBND TP đã thống nhất chủ trương triển khai thí điểm "Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt" trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trên cơ sở triển khai thí điểm, đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng trên toàn TP, hướng tới mỗi quận, huyện, thị xã đều có tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt và số lượng tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt tăng dần hằng năm.
Khuyến khích người dân trên địa bàn TP tích cực hưởng ứng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt; các hoạt động kinh doanh trên các tuyến phố thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới hình thành các tuyến phố văn minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô.
Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong tiến trình tiến tới kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh. Với sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp cùng các cấp, các ngành của TP sẽ từng bước xây dựng Chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số... góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại – một Thủ đô xanh, thanh bình và thịnh vượng.
Tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá. Trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị; qua kênh Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị; qua POS tăng 16,87% về số lượng và tăng 13,65% về giá trị; qua ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị, số liệu trên cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại