Ảnh
Thăm nơi lưu giữ chiến tích Hà Nội 12 ngày đêm bão lửa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bảo tàng chiến thắng B52 là nơi lưu giữ ký ức và chiến tích hào hùng của quân, dân ta trong sự kiện Hà Nội 12 ngày đêm chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không".
|
Bảo tàng Chiến thắng B52 - nơi lưu giữ chiến tích của Hà Nội 12 ngày đêm được coi là một trong những bảo tàng độc đáo nhất thế giới, bởi chỉ ở Việt Nam mới có một bảo tàng dành riêng cho việc trưng bày chiến thắng máy bay B52. |
|
Hiện bảo tàng trực thuộc Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Bảo tàng thuộc loại hình lịch sử quân sự, nằm trong hệ thống các bảo tàng của Lực lượng vũ trang Nhân dân, là trung tâm văn hóa, lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, nằm trong tổng thể không gian văn hóa di tích lịch sử “Hồ Hữu Tiệp, xác máy bay B52”, và làng hoa cổ truyền Ngọc Hà. |
|
Ngoài khu trưng bày trong nhà, bảo tàng còn có khu trưng bày ngoài trời với diện tích khoảng 4.000m2, trưng bày các vũ khí, khí tài mà quân, dân Thủ đô đã sử dụng và lập công, cùng một số mảnh xác máy bay Mỹ. |
|
Xác “Pháo đài bay B52” với tỷ lệ 1:1, thân dài: 59,05m; sải cánh: 56,39m đang nằm dài trên mặt sân khuôn viên phía trước Bảo tàng giúp người xem có cái nhìn chân thực hơn về "pháo đài bất khả xâm phạm", một trong ba vũ khí tiến công chiến lược, niềm tự hào của Đế quốc Mỹ năm xưa. |
|
Xác máy bay B52 được thu thập và dựng lại theo đúng cấu trúc hình dáng của máy bay B52 thật. Theo thời gian, xác máy bay vẫn được bảo quản tốt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam. |
|
Xác máy bay B52 nằm lại bảo tàng này như một minh chứng cho chiến thắng oanh liệt, cũng không kém phần đau thương của người dân Thủ đô trong cuộc chiến khốc liệt - 12 ngày đêm bão lửa. |
|
Khu vực thân máy bay nơi trữ bom B52 đánh phá. |
|
Hệ thống tên lửa đối không S-75 (SAM 2) là vũ khí duy nhất thời bấy giờ có thể tấn công bắn hạ được B52. Vũ khí chủ lực này được Liên Xô sản xuất và viện trợ cho quân đội Việt Nam từ năm 1965. |
|
Bên cạnh SAM 2, máy bay MiG21 của Không quân Việt Nam cũng là một vũ khí lịch sử. Loại máy bay này được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam từ năm 1965. Lần đầu tiên, Không quân Việt Nam bắn hạ được máy bay trinh sát của Mỹ cũng từ MiG21 năm 1966. Đến năm 1971, phi công Vũ Đình Rạng điều khiển MiG21 là người đầu tiên trên thế giới có thể tiếp cận và bắn rơi máy bay B52. |
|
Lavochkin S-75 Dvina là một tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM) tầm cao được điều khiển bằng hệ thống ra đa ba tác dụng do Liên Xô chế tạo. Tại Việt Nam, tổ hợp tên lửa phòng không này thường được gọi là SAM 2. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc 1965-1968 và 1972, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 95 tiểu đoàn S-75 (mỗi tiểu đoàn có 1 hệ thống gồm 6 bệ phóng) và 7658 quả tên lửa phòng không. |
|
Cho đến nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới sử dụng tên lửa S-75 để đối phó một cách có hiệu quả với máy bay ném bom chiến lược B52 của Không lực Hoa Kỳ. Trong chiến dịch phòng thủ đường không 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, 15 tiểu đoàn tên lửa S-75 bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng đã bắn rơi 27 máy bay B52. |
|
Bảo tàng chiến thắng B52 đã góp phần quan trọng vào việc phát huy giá trị Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” qua tư liệu, hiện vật đang trưng bày, lưu giữ. Bảo tàng không chỉ là nơi tham quan, học tập, nghiên cứu của đông đảo du khách trong và ngoài nước, mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. |
|
Bảo tàng chiến thắng B52 như một minh chứng cho tinh thần đoàn kết chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam trong 12 ngày đêm anh hùng. |
|
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, với sự kiện 12 ngày đêm tháng 12/1972, thăm lại những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 với lòng tự hào, xúc động. Lại nhớ tới lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khẳng định: “Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên bầu trời Hà Nội, chiến thắng được mệnh danh là “Điện Biên Phủ trên không” sẽ mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Chính là chiến thắng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không có gì quý hơn độc lập, tự do; của tinh thần thông minh và trí tuệ đặc biệt của dân tộc Việt Nam đối với khối lượng sắt thép và đô la khổng lồ của đế quốc Mỹ. Con người đã thắng vũ khí; chí nhân đã thắng tàn bạo; chính nghĩa đã thắng phi nghĩa”. |
Khánh Huy