Thứ sáu 22/11/2024 23:35

Thách thức danh hài: Thắng lớn nhờ… người chơi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với tiểu phẩm “thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh”, các chú tiểu nhóm “Bồng lai” trở thành nhóm thí sinh đầu tiên giành giải 200 triệu đồng tại “Thách thức danh hài”. Không chỉ thí sinh “thắng” giải lớn, mà người xem cũng tinh ý nhận ra rằng, nhờ người chơi rất đặc biệt, chương trình cũng “thắng” lớn ở lượng view và lượng phản hồi. Thế mới nói, giám khảo quan trọng, nhưng người chơi mới là nhân tố “khác biệt” mà những chương trình gameshow truyền hình Việt hiện nay đang quá thiếu.

Lần đầu đến với “Thách thức danh hài” (ở tập 8), nhóm “Bồng lai” gồm 5 chú tiểu: Pháp Tâm, Trí Tâm, Nghi Tâm, Ngọc Tâm 3 và Minh Tâm hạ gục 2 giám khảo Trấn Thành, Trường Giang và giành 100 triệu đồng. Do đó, nhóm được mời trở lại vòng Gala diễn ra tối 9-1 và Gala 2 vào tối 16-1. Sau đêm Gala đầu tiên và vượt qua 4 vòng thi, nhóm “Bồng lai” tiếp tục tiểu phẩm thầy trò “Đường Tăng đi thỉnh kinh” khi trở lại chương trình vào tối 16-1. Vượt qua 10 vòng thi, lần đầu tiên trong chương trình “Thách thức danh hài” có nhóm thí sinh thắng giải 200 triệu đồng.

Không chỉ thắng giải lớn, nhiều khán giả bày tỏ sự yêu mến, thậm chí yêu cầu chương trình thực hiện live show riêng cho 5 chú tiểu. Các comment với nội dụng như: “Chương trình ơi hãy làm nguyên live show toàn tiết mục mà mấy bé diễn từ đầu tới cuối xem cho đã”, “Các em ấy thực sự đáng yêu, thông minh và lanh lợi”, “Tôi chờ cả tuần nay. Đúng là không làm tôi hối hận. Chúc mấy bé và sư thầy sẽ có một cuộc sống sung túc hơn”, “Các con giỏi quá. Các thầy tạo kịch bản quá hay, quá xuất sắc. Khai thác được tiềm năng của các bé”… tràn ngập các diễn đàn - nơi đăng tải phần dự thi của các chú tiểu nhí dễ thương.

thach thuc danh hai thang lon nho nguoi choi
5 chú tiểu trở thành hiện tượng tại cuộc thi “Thách thức dah hài năm 2018”. Ảnh từ chương trình

Phần lớn, các chú tiểu nhí chỉ từ 4 đến 6 tuổi, thậm chí còn không biết mình thắng được bao nhiêu tiền, không biết luật của các vòng dự thi, nhưng chính sự hồn nhiên, dễ thương, những tiểu phẩm hài được dàn dựng trong sáng, phù hợp lứa tuổi các em đã chinh phục được giám khảo và khán giả. “Thách thức danh hài” thực tế mỗi mùa đều tìm được những nhân tố nổi bật, có được nhiều sự chú ý như “hiện tượng” “cô Màu” Lê Thị Dần của mùa 2, hay hiện tượng “cây hài” Mạc Văn Khoa. Nhờ có chương trình, cả Lê Thị Dần và Mạc Văn Khoa đều được phát hiện rất có duyên sân khấu, được tạo điều kiện để phát huy nhiều hơn tài năng của mình.

Ở một chương trình thực tế có tính chất “thi thố”, rõ ràng giám khảo quan trọng nhưng thí sinh mới là người tạo ra “cơn sốt” mang tên “khác biệt tạo sức hút”. Lâu nay, tất cả các chương trình, từ mùa này qua mùa khác, mới hay cũ đều đa phần tập trung vào đội ngũ giám khảo, kỳ vọng ở họ sự “màu sắc” khi ngồi trên ghế nóng. Nhưng chương trình nhiều, giám khảo không có bao nhiêu, cơ bản, dù mới đến đâu họ vẫn là những người ấy với tính cách ấy, khó có thể đột phá mọi nơi mọi lúc được. Ngay cả danh hài rất biến hóa và nhiều người yêu mến như Hoài Linh, cũng có lúc ngồi ghế giám khảo mà không được như kỳ vọng, vậy thì nét mới ở đâu, nếu không phụ thuộc vào người chơi?

Sự tập trung quá nhiều vào giám khảo khiến cho người chơi, thí sinh của nhiều chương trình bị “coi nhẹ”, “The Face Vietnam” là một ví dụ. Mùa nào chương trình này cũng chỉ chăm chăm PR và cắt sóng cho giám khảo, tập trung vào vài câu giám khảo mâu thuẫn và đẩy nó lên thành cao trào, còn thí sinh là những ai, điểm nhấn gì lại ít được ưu ái nhắc tới. Thậm chí, ngay cả khi kết thúc một đêm thi chung kết với nhiều “tranh cãi”, chương trình cũng chẳng buồn có sự giải thích nào cho thí sinh, mà tập trung sự chú ý cho các giám khảo – huấn luyện viên, xem thái độ của họ ra sao. Đó là thiệt thòi của người chơi, nhưng đó cũng là thiệt thòi cho chính chương trình, khi cứ mải tạo ra các tình huống sắp xếp, chiêu trò đan xen thật giả thì khó nhận được sự tin tưởng và kiên nhẫn của khán giả nữa.

Nhìn vào các “hiện tượng” truyền hình những năm trước và năm nay như Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường và các cá nhân xuất sắc tại “Thách thức danh hài”, thì cơ bản lí do đầu tiên mà họ được yêu mến là sự giản dị, thật thà rất tự nhiên. Tính cách ít diễn, sự trong sáng khi tham gia chương trình, ít bị tác động bởi yếu tố kịch bản truyền hình đã khiến họ được yêu mến và yêu mến hơn nữa. Cùng với đó, chương trình vì thế mà được chú ý hơn.

Phần dự thi của 5 chú tiểu tí hon tại “Thách thức danh hài” gây sốt và được khán giả khen ngợi hết lời, kéo theo lượng xem đạt trên chục triệu view nhanh chóng – hơn cả nhiều MV ca nhạc các ca sĩ đầu tư lắm tiền nhiều của, hơn cả những đoạn cắt lập lờ, gây hiểu lầm từ các chương trình PR rầm rộ khác. Thế mới thấy được sự đúng đắn của việc đầu tư cho người chơi, khai thác tốt các chi tiết từ người chơi.

5 chú tiểu tham gia “Thách thức danh hài” 2018 có câu chuyện cuộc đời đã rất thương cảm, nhưng chương trình không tập trung vào yếu tố bi lụy nhằm khai thác chi tiết nước mắt. Ngược lại, ê-kíp đã khai thác sự trong sáng, đáng yêu của các em, sự ngăn nắp, nền nếp trong môi trường mà các em được các sư thầy nuôi dưỡng đã thu hút khán giả. Đó chính là sức mạnh của những gì tự nhiên, thật thà.

Từ “Thách thức danh hài” với những người chơi rất khác biệt, khán giả có lẽ sẽ chờ mong hơn nữa những nhân vật, những người chơi thú vị và ấn tượng như thế. Và cũng chờ đợi các chương trình “đầu tư” hơn cho yếu tố người chơi. Bởi suy cho cùng, người chơi phải luôn là nhân vật chính thì các chương trình mới đúng ý nghĩa.

Nam Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động