Thứ năm 02/05/2024 17:48

Tết cổ truyền thời công nghệ số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cuộc Cách mạng 4.0 đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là xu thế tất yếu buộc các quốc gia phải thay đổi để thích nghi và quan trọng là biết cách tận dụng tính ưu việt của nó để phát triển.
Chỉ với chiếc smartphone mọi người có thể gửi những lời  chúc mừng năm mới tới người thân ở các khu vực địa lý khác nhau  	 	Ảnh: T. Liên
Chỉ với chiếc smartphone mọi người có thể gửi những lời chúc mừng năm mới tới người thân ở các khu vực địa lý khác nhau. Ảnh: T. Liên

Có còn vẹn nguyên phong vị Tết cổ truyền?

Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ lớn của Việt Nam. Tết luôn mang trong mình những giá trị vô cùng ý nghĩa và nhân văn bởi những khoảnh khắc đoàn viên, sum họp và gắn kết. Chẳng trách, từ lâu Tết cổ truyền đã trở thành một tín ngưỡng thiêng liêng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt. Thế nhưng trong những năm gần đây, ngày Tết đang thay đổi chính vì sự xuất hiện của công nghệ.

Có thể nói chúng ta đã và đang sống trong thập niên mới của công nghệ, của những thiết bị thông minh, của trí tuệ nhân tạo cùng những sáng tạo, đổi mới không giới hạn. Kể từ khi cuộc cải cách công nghệ số được diễn ra, cuộc sống của con người đã thay đổi rất nhiều. Và chẳng bao lâu nữa, công nghệ dự đoán sẽ thay thế hầu như toàn bộ các chức năng, hoạt động của con người.

Sự phát triển quá mạnh mẽ của công nghệ đã tạo ra những luồng tranh luận về tầm ảnh hưởng của nó. Hiển nhiên chúng ta không thể phủ nhận được sự hiện đại và hiệu quả mà công nghệ đã đem lại nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều điều tiêu cực và xa cách do công nghệ tạo ra lại khiến rất nhiều người phải hoài nghi. Thể hiện rõ ràng nhất trong những ngày Tết, khi mỗi người đã cảm thấy bất lực khi chứng kiến những sự đổi thay quá khác biệt so với truyền thống khi xưa. Họ thấy giữa sự hiện đại ấy là nét nhạt nhòa của giá trị tốt đẹp cũ và rồi Tết trở nên “nhạt” dần tự lúc nào không hay?

Có lẽ sự “nhạt” dần trong cách cảm nhận của mọi người được thể hiện rõ ràng qua những sự đổi thay đầy khác biệt giữa các truyền thống xưa và nay. Nếu ngày ấy, những phiên chợ họp vào mỗi độ cuối năm sẽ đem đến cho chúng ta một không khí Tết thật rộn ràng và rõ nét thì giờ tất cả mọi thứ đã có sẵn trên các trang mua hàng trực tuyến. Chúng ta sẽ chẳng còn phải vất vả, lặn lội đến tận nơi tìm kiếm mà chỉ cần ở nhà và thao tác đặt mua qua một cú click chuột đơn giản. Nếu lúc trước, tiếng pháo nổ đã trở nên rất quen thuộc đối với mỗi nhà mỗi làng, thì giờ đây lại chẳng hề dễ dàng để có thể tìm được những thanh âm náo nhiệt ngày ấy. Thay vào đó là những âm thanh xập xình, các bài hát sôi động được phát ra từ các loa đài, Smartphone với những chất lượng âm thanh tuyệt vời.

Nếu khi xưa, trước những ngày Tết, mọi người cẩn thận chuẩn bị những phong bao đỏ rực để mừng tuổi người già, lì xì trẻ nhỏ lấy lộc, lấy may thì giờ đây khi đã xuất hiện nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến, hình thức “lì xì ngày Tết” đã trở thành một “dịch vụ” chỉ để trao đổi tiền qua lại mà thôi. Nếu lúc ấy, Tết là dịp mà mọi người cùng nhau quây quần, sum họp, sẻ chia những câu chuyện của năm cũ thì bây giờ chúng ta vẫn ngồi cùng nhau nhưng là với một chiếc Smartphone của riêng mình và chia sẻ những trạng thái trên các trang mạng xã hội xa lạ.

Đã có rất nhiều sự so sánh được đưa ra giữa Tết xưa và nay, trong đó thể hiện nhiều sự trách móc lẫn nuối tiếc, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn vội vàng kết luận rằng chính công nghệ đã làm tạo ra những khoảng cách, chính sự hiện đại làm mất đi giá trị truyền thống tốt đẹp thuở đầu. Nhận thấy sự khác biệt quá rõ ràng và có phần chua xót, mọi người vội trách cứ Tết 4.0 sao mà “xa lạ” thế?

Thực ra chẳng có gì là xa lạ cả, chẳng có giá trị xưa cũ nào nhạt nhòa mất đi hết, tất cả chỉ là được thể hiện bằng một hình thức, một “vỏ bọc” mới mẻ hơn mà thôi. Bạn nhớ về những chiếc TV đen trắng thời xưa hay là bạn nhớ những phút giây gắn kết, được quây quần bên nhau cùng xem những chương trình Tết? Bạn nhớ tiếng pháo xưa, tiếng radio cũ, hay chỉ đơn thuần là nhớ những thanh âm đặc trưng, náo nhiệt chỉ có riêng ngày Tết?

Bạn lưu luyến những phong bao lì xì đỏ hay là bạn mong chờ những khoảnh khắc trao gửi yêu thương bằng những điều đơn giản ấy?Chúng ta vẫn cứ luôn đổ lỗi cho những chiếc Smartphone hay mạng xã hội làm con người càng xa cách nhau nhưng ta nào biết đó lại là công cụ vô cùng ý nghĩa đối với những người con xa xứ, với mong muốn được sẻ chia những khoảnh khắc đáng nhớ ấy cùng gia đình qua sự hỗ trợ tuyệt vời của công nghệ.

Thế nên dù bây giờ chẳng còn thấy hình bóng của chiếc radio cũ, chiếc xe phượng hoàng xưa hay thứ gần gũi hơn là chiếc TV đen trắng cổ thì chúng ta vẫn có thể cảm nhận được những giá trị quen thuộc bên trong món đồ công nghệ xa xỉ và hiện đại khác bây giờ.Thực ra những giá trị cốt lõi của ngày Tết vẫn luôn ở đó, hiện diện ngay trong những sự đổi mới của công nghệ. Những điều cũ kỹ vẫn nằm nguyên vẹn, chẳng hề sứt mẻ, chỉ là công nghệ đã tạo cho những giá trị ấy một “hình thức” hiện đại hơn, mới mẻ hơn và hữu dụng hơn mà thôi.

Không khí những ngày chuẩn bị Tết có một chút dư vị thiêng liêng đến khó tả.			Ảnh: Bùi Quang Quý
Không khí những ngày chuẩn bị Tết có một chút dư vị thiêng liêng đến khó tả. Ảnh: Bùi Quang Quý

Thích ứng và phát triển

Kể từ khi có công nghệ phát triển, cuộc sống vật chất và tinh thần chúng ta đã thay đổi không ít và Tết truyền thống cũng chẳng nằm ngoài sự vận động ấy. Thực ra không chỉ có đời sống thay đổi, nhu cầu thay đổi hay Tết đang thay đổi mà cả chính chúng ta cũng là những chủ thể đang dần đổi thay từng ngày. Khi xã hội phát triển kéo theo những nhu cầu của con người cũng dần cao hơn. Chúng ta thường nghe rất nhiều lời than phiền về sự ảnh hưởng của công nghệ nhưng thực ra là Smartphone, SmartTV, SmartCar... hay bất kỳ sự phát minh về công nghệ nào khác đều chẳng hề có lỗi. Công nghệ vẫn đang làm rất tốt công việc của mình, phát triển và cải tiến để đáp ứng kịp thời những nhu cầu của con người.

Chính vì vậy sự thay đổi trong tâm thức và cách thức đón Tết cũng là một điều tất yếu. Và sự thay đổi ấy không thể làm lu mờ những giá trị nhân văn cốt lõi, không thể làm cái “chất” bên trong biến đổi mà chỉ đang duy trì chúng dưới sự hỗ trợ của công nghệ. Cho dù công nghệ sau này có biến hóa "khôn lường" hay phát triển chóng mặt như thế nào đi chăng nữa thì giá trị cổ truyền của những ngày Tết vẫn tồn tại mãi trong mỗi con người. Chẳng thể có sự phát triển hay đổi mới nào có thể lay chuyển được.

Cũng giống như việc kinh doanh thương mại điện tử có phát triển ra sao thì các phiên chợ cuối năm vẫn không thể biến mất. Hay khi đã có những hình thức lì xì trực tuyến thì vẫn chẳng bao giờ giống được cảm giác được trao tận tay những phong bao rực rỡ cùng những lời chúc may mắn khi xưa. Miễn rằng trong tâm của mọi người vẫn còn Tết, trí của mọi người vẫn mãi nhớ về những khoảnh khắc sẻ chia và sum họp những ngày đầu năm thì Tết sẽ vẫn mãi luôn ở đó thôi! Mãi nguyên vẹn trong tim mỗi người!

Với sự xuất hiện của công nghệ 4.0, người ta lại càng “yên tâm” cho sự lựa chọn của mình mà không sợ thất thố hay bỏ lỡ việc thưởng thức Tết. Trước đây, khi phương tiện giao thông khó khăn, Internet và Smartphone chưa phổ biến, những người con ở phương xa luôn cảm thấy day dứt nếu như không về quê đón Tết. Lúc đó, họ chỉ thông qua những lá thư, cánh thiệp để chuyên chở nỗi nhớ mong gửi về gia đình. Những lá thư, tấm thiệp tự tay viết lời chúc mừng giờ trở nên hiếm hoi. Công nghệ phát triển, với nhiều hình thức Zalo, Messege chat, Livestream, Viber…, dù ở tận phương trời nào cũng có thể kết nối. Mọi người có thể nhìn thấy nhau, hòa vào không khí chuẩn bị đón Tết, có khi thưởng thức “từ xa” hương vị tết. Điều này đã giúp rút ngắn khoảng cách không gian và khỏa lấp nỗi nhớ mong. Và khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, với chủ trương “Ai ở chỗ nào thì ở yên chỗ đó” thì kênh giao tiếp trực tuyến trở thành lựa chọn tối ưu cho mỗi người.

Giờ đây, chúng ta có thể chúc Tết online, vừa nhìn thấy mặt vừa nghe thấy giọng. Chúng ta không cần nhiều thời gian để bấm từng phím chữ, soạn một tin chúc Tết, mà giờ đây có những lời chúc mẫu phù hợp với từng đối tượng, kèm theo hình ảnh, âm thanh đa phương tiện bắt mắt, sinh động. Thế nhưng chính sự tiện lợi này khiến cho lời chúc giảm giá trị và cảm xúc phần nào. Lời chúc được gửi hàng loạt, nhiều khi chủ nhân cũng không để tâm đến người nhận khiến lời chúc như một điều gì chiếu lệ, phải có. Cùng với nhiều điều khác, người ta bắt đầu cảm nhận “cái nhạt” của Tết. Hình thức lì xì cũng đã bắt đầu có sự thay đổi. Trước đây người ta gặp nhau dịp Tết, tay bắt mặt mừng, trao cho nhau lời chúc và tặng nhau phong bao lì xì lấy hên (cốt về giá trị tinh thần), nhưng giờ đây, người ta lì xì bằng cách chuyển khoản, qua thẻ cào điện thoại… Với hình thức này, vật chất khá được coi trọng, thậm chí đội lốt, ngụy trang một phong tục tốt đẹp để hối lộ, mua chuộc lấy lòng nhau.

Chúng ta hay ta thán không có thời gian dành cho gia đình. Đến khi có thời gian thì lại dành phần lớn cho “gia đình ảo”. Chúng ta theo dõi từng dòng trạng thái, comment, chúc tụng, tung hô, cà khịa… nhưng lại lãng quên những khoảnh khắc đích thực bên người thân, gia đình, bạn bè, hàng xóm. Chúng ta không lạ lẫm gì với hình ảnh mỗi người một thiết bị thông minh sống trong thế giới ảo của mình, mặc kệ những người xung quanh. Họ tin vào thế giới đó, nút “like” và các icon trở thành những biểu tượng quyền lực có thể chi phối cảm xúc, tâm trạng, thậm chí lấy đó để định vị, định giá bản thân và người khác. Thay vì trở về với gia đình bên mâm cơm ngày Tết, nhiều người lại chọn cách “ăn Tết online”. Thay vì ngồi sum họp quây quần với những câu chuyện ấm áp thì không ít người bận tâm với điện thoại và cộng đồng ảo của mình. Dĩ nhiên có hàng ngàn lí do để bao biện, song nếu những giá trị gia đình được coi trọng thì chắc chắn người ta sẽ tìm mọi cách để tận hưởng cái Tết ý nghĩa bên người thân.

Suy cho cùng, sự ra đời của các ứng dụng công nghệ đã giúp cho cuộc sống con người trở nên tiện lợi hơn. Khoảng cách địa lí được rút ngắn, sự giao tiếp xã hội trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Những nhu cầu ngày một nhiều của con người dần được công nghệ hỗ trợ. Chúng ta rất khó để đứng ngoài cuộc và không thể ngăn bánh xe công nghệ ngưng quay. Quan trọng là thái độ, cách thức mỗi người tiếp nhận và ứng xử như thế nào sẽ quyết định đến giá trị sống của chúng ta.

Công nghệ 4.0 có thể giúp chúng ta dễ dàng mua và có được nhiều thứ. Song những giá trị nhân văn, sự sẻ chia, yêu thương, nét văn hóa, trải nghiệm cá nhân, không phải bao giờ cũng có thể mua bán hoặc thay thế bởi công nghệ. Đó là nét văn hóa bản địa cần được bảo tồn trước sự xâm lấn của xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giải lãnh thổ hóa. Không ai khác, mỗi người trong chúng ta cần phải xác định đâu là những giá trị đích thực có thể nuôi dưỡng tâm hồn, giữ gìn truyền thống dân tộc. Công nghệ không làm mất vị Tết, chỉ thay đổi tâm thức và hình thức đón Tết mà thôi...

Giá trị cốt lõi vẫn nằm ở con người, do con người kiến tạo và lưu giữ. Ý thức được điều này, ắt hẳn không chỉ những giá trị của Tết cổ truyền mà còn rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác sẽ được lan tỏa, gìn giữ.
Xưa, nay hoa Tết
Rộn ràng các điểm đến đầu năm, du lịch Việt Nam đón tín hiệu "vui như Tết"
Hà Nội: Quảng bá Tết truyền thống, giá trị văn hóa bản sắc vùng miền
Thái Yên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động