Tàu điện Cát Linh - Hà Đông: Điểm nhấn của giao thông đô thị Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Người dân lên tàu Cát Linh - Hà Đông tại ga Cát Linh. Ảnh: Phạm Hùng |
Người dân quen dần với loại hình giao thông mới
Ngày 6-11-2021, sau 10 năm chờ đợi, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã chính thức đi vào vận hành, khai thác thương mại. “Tân binh” của hệ thống vận tải công cộng Hà Nội ngay lập tức gây ấn tượng mạnh mẽ, phấn khích cho người dân.
Những ưu điểm nổi bật của tuyến ĐSĐT số 2A đã tạo nên sức hút vượt trội hơn hẳn các loại hình khác như xe buýt, taxi… Mỗi lượt tàu chạy trên trục đường Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi - Láng - Hoàng Cầu - Cát Linh vốn ùn tắc giao thông bậc nhất Thủ đô chỉ mất khoảng 23 phút. Trong khi đó xe buýt hay ô tô con cá nhân phải mất cả tiếng đồng hồ, xe máy cũng phải mất đến trên 40 phút.
Từ khâu bán vé, lên xuống tàu… đều được tự động hoá khiến việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Hàng trăm nghìn người dân đã tới trải nghiệm dịch vụ tiện ích hiện đại; ngắm nhìn Hà Nội từ trên cao qua mỗi chuyến tàu. Và kết quả đáng mừng nhất là hầu như mọi định kiến đối với vận tải công cộng nói chung, ĐSĐT nói riêng đã nhanh chóng phai nhạt.
Phấn khởi hơn nữa là trải qua hơn một tháng vận hành, tàu điện số 2A chưa gặp sự cố gì, công tác đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh Covid-19 rất hiệu quả, không xảy ra lây lan. Trong khi cả TP gồng mình chống dịch, thành công đó có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nhiều người còn cho biết, khi lưu thông dọc theo tuyến đường có tàu điện số 2A đi qua đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt, lượng xe cá nhân đã bớt đi, ùn tắc giao thông tại các nút: Cát Linh - Giảng Võ; Đê La Thành - Hoàng Cầu; Láng - Yên Lãng; Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi… được cải thiện rõ rệt.
Điều đó cho thấy, không chỉ đóng vai trò vô cùng quan trọng với vận tải công cộng, ĐSĐT còn là công cụ hữu hiệu để giảm thiểu xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô Hà Nội.
Điều này cũng dễ hiểu. Bởi khác với nhiều loại hình vận tải công cộng khác, ĐSĐT đáp ứng được yêu cầu về thời gian di chuyển của người dân. Tàu đi nhanh, không phải dừng chờ trên đường bộ do ùn tắc, tạo cảm giác vô cùng thoải mái cho hành khách. Với giá vé rất rẻ, chỉ từ 8.000 - 15.000/lượt đã mua được một chuyến hành trình êm đềm, nhanh chóng nên ĐSĐT đã được nhiều người dân lựa chọn trở thành phương tiện đi lại chính của mình.
Bên cạnh đó, người dân cũng đã nhận thấy hiệu quả, ưu điểm rõ rệt của ĐSĐT, mong mỏi sớm có thêm nhiều tuyến ĐSĐT khác để đến bất cứ đâu trong nội thành cũng được hưởng những dịch vụ tiện ích, chất lượng cao, nhanh chóng “thoát khỏi” nỗi ám ảnh ùn tắc giao thông mỗi ngày.
Cơ sở cho những dự án tiếp theo
Từ thành công ban đầu của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông có thể thấy ý nghĩa và giá trị rất lớn của loại hình vận tải công cộng khối lớn, hiện đại này với giao thông đô thị Hà Nội. Đồng thời cho thấy nhu cầu bức thiết của thực tế, đòi hỏi TP phải sớm tăng cường năng lực cho hệ thống vận tải công cộng, tập trung nguồn lực bổ sung thêm nhiều tuyến ĐSĐT.
Tuyến ĐSĐT số 2A đã trải qua hơn một thập kỷ khó khăn, chật vật, đó cũng cho thấy tính chất phức tạp, khó khăn của việc thực hiện các đại dự án hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải đã nói: “Giá trị của vận tải công cộng không chỉ thể hiện ở lĩnh vực tài chính, kinh tế. Hiệu quả nó mang lại cho giao thông, môi trường và cả sự phát triển kinh tế xã hội là vô cùng, không thể đong đếm theo những cách thông thường”.
Hiện, Hà Nội còn có một số dự án ĐSĐT đang vướng mắc, hoặc triển khai chậm hơn tiến độ đề ra ban đầu như tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến số 2 Nam Thăng Long -
Trần Hưng Đạo… Với những người làm ĐSĐT, món quà quý nhất chính là sự ủng hộ của người dân, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP. Ngược lại, món quà quý nhất với giao thông đô thị Hà Nội trong bối cảnh hiện nay cũng chính là ĐSĐT - một trong những điều kiện tiên quyết để giảm thiểu xe cá nhân, đẩy lui ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường không khí. Mặt khác, với tuyến ĐSĐT số 2A, điều cần nhất hiện nay là sự ủng hộ, thay đổi thói quen lệ thuộc vào xe cá nhân, tự ý thức nâng cao văn hoá giao thông của mỗi hành khách.
Dù đã đạt được những thành công ban đầu nhưng tuyến ĐSĐT số 2A vẫn là một “tân binh”, một loại hình vận tải công cộng mới hoàn toàn, còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn phía trước. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - đơn vị quản lý, vận hành tuyến ĐSĐT số 2A - đang miệt mài cố gắng từng ngày, tự hoàn thiện mình để nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu.
Chính quyền TP cùng các đơn vị liên quan cũng đang nỗ lực hết sức để tiếp tục phát triển ĐSĐT, mở thêm nhiều tuyến tàu điện phục vụ Nhân dân đi lại. Món quà đáng quý nhất lúc này chính là sự chung sức, đồng lòng, tích cực xây dựng để cùng nhau bồi đắp một mạng lưới giao thông đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại, phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ.
Bước sáng năm 2022, Hà Nội đặt kỳ vọng có thể đưa thêm tuyến ĐSĐT số 3, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy vào vận hành, khai thác. Với những kinh nghiệm quý giá có được từ dự án tuyến ĐSĐT số 2A, chắc chắn TP sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất, bài bản chặt chẽ cho tuyến ĐSĐT thứ hai bước lên “sân khấu” giao thông đô thị.
Với sức chở xấp xỉ 1.000 hành khách mỗi lần, tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông đã thực sự trở thành xương sống của vận tải công cộng trên trục đường nối khu vực cửa ngõ Tây Nam với trung tâm TP. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại