Tạo dấu ấn, bản sắc riêng cho Thủ đô Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBãi giữa sông Hồng sẽ trở thành công viên văn hóa đa chức năng trong tương lai. Ảnh: Khánh Huy |
Khai thác tối đa hiệu quả
Tại hội thảo “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” ngày 24/11, các chuyên gia cho rằng, lịch sử phát triển các đô thị ở Việt Nam cũng như trên thế giới luôn gắn liền với các dòng sông; thủ đô Hà Nội cũng gắn liền với sự hình thành và phát triển của hệ thống mặt nước, đặc biệt là sông Hồng.
Trải qua thời gian, biến đổi của địa lý và cả của con người, vai trò của sông Hồng ngày càng ăn sâu vào đời sống đô thị. Đến nay, sông Hồng không chỉ là một trong 5 yếu tố di sản đô thị (phố cổ, phố cũ, các công trình di tích lịch sử, làng xóm đô thị hóa, hệ thống hồ ao và sông Hồng) đem lại giá trị đặc trưng cho một đô thị lớn như Hà Nội, mà đã đi vào ký ức, tình cảm của bao thế hệ người dân Hà Nội.
Hiện nay, Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP phê duyệt. Theo các chuyên gia, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng, nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội của TP.
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, định hướng này sẽ là "điểm tựa" để đưa sông Hồng trở thành khung thiên nhiên, điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai.
Một không gian văn hóa công cộng đáng sống
Để có thể khai thác xây dựng công viên một cách hiệu quả, KTS Trần Ngọc Chính cho biết: "Khi quy hoạch công viên văn hóa cảnh quan ở khu vực bãi giữa sông Hồng cần đặc biệt quan tâm đến việc kết nối các yếu tố cốt lõi như thiên nhiên, văn hóa và cộng đồng xã hội vì không chỉ mang thiên nhiên đến cho việc thư giãn và rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi cho các hoạt động văn hóa, giao lưu xã hội.
Việc quy hoạch và thiết kế công viên tốt không chỉ giúp tăng cường chất lượng sống trong đô thị mà còn giúp cho đô thị trở nên bền vững hơn. Hơn nữa, cần phải quan tâm đến tác động của một khu đô thị tới môi trường nhất là sức chịu tải của bãi bồi khi nơi đây trở thành địa điểm văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí".
Việc quản lý, khai thác không gian công cộng bãi giữa sông Hồng sẽ tạo thành điểm tham quan du lịch bổ trợ cho khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về quản lý, chống lấn chiếm đất bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, khôi phục lại giao thông đường sông, cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tạo lập hình ảnh TP hiện đại và sinh thái hai bên sông Hồng, có bản sắc và truyền thống lâu đời, cùng với việc tôn trọng các khu vực bảo tồn, đặc biệt là đoạn đi qua đô thị trung tâm.
Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cũng bày tỏ kỳ vọng, “Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng” sẽ giúp thay đổi diện mạo cảnh quan khu vực, giải quyết các vấn đề bất cập, đánh thức tiềm năng không gian công cộng rộng lớn. Cùng với đề án này, việc kiểm soát tốt hành lang thoát lũ, tạo dựng cảnh quan thân thiện với môi trường, đáp ứng sinh hoạt cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa Việt sẽ là nền tảng phát triển bền vững cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Để triển khai xây dựng Công viên văn hóa, cảnh quan bãi giữa sông Hồng, cần thiết có cơ sở pháp lý, có định hướng khung, song để cụ thể hóa rất cần có tầm nhìn đồng bộ và rộng (liên quan đến vùng và quốc gia). Trục sông Hồng và bãi giữa, bãi bồi thuộc vùng đang mang lại những kỳ vọng cho sự đột phá sáng tạo từ những mục tiêu đặt ra trong tổng thể quy hoạch xây dựng một đô thị Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Bàn về quy hoạch chi tiết khu vực bãi giữa sông Hồng, Chủ tịch UBND quận Ba Đình đề xuất, quy hoạch công viên sông Hồng bao gồm khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên). |
Toàn cảnh bãi bồi sông Hồng chuẩn bị quy hoạch thành phân khu đô thị | |
Hiện thực hóa giấc mơ “Thành phố hai bên dòng sông Hồng” | |
Hà Nội: Sẽ có thêm khoảng xanh cho đô thị |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại