Tăng mức phạt lên tiền tỷ đối với việc “bán lúa non”: Có đủ sức răn đe?!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChế tài xử lý vi phạm hành chính chưa đủ mạnh
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo cũng tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản |
Các bất cập đó như: Xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với dự án đầu tư xây dựng để tính thời hiệu xử phạt như hiện nay là chưa phù hợp; không có chế tài xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn; chưa có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm; thời gian thực hiện xin cấp và điều chỉnh giấy phép chưa phù hợp với từng loại công trình; một số lĩnh vực còn thiếu chế tài xử lý; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hiện hành, mức phạt cao nhất trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản chỉ là 300 triệu đồng.
Vì thế, Bộ Xây dựng đã có dự thảo Nghị định mới, trong đó đưa các quy định của Thông tư 03/2018/TT-BXD vào dự thảo, tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư). Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng.
Dự thảo cũng tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định. Bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết…
Cần phải quy trách nhiệm cụ thể
Trước đó, vào tháng 3-2021, Thanh tra Bộ Xây dựng được lãnh đạo Bộ giao chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 139. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139 được Thanh tra Bộ thực hiện sau 4 tháng nghiên cứu và mở một cuộc toạ đàm với 19 Sở Xây dựng khu vực miền Nam để ghi nhận ý kiến từ thực tế.
Khi xây dựng, dự thảo đã điều chỉnh các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập, điều chỉnh quy hoạch, khảo sát xây dựng, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát, lựa chọn nhà thầu cho đến nghiệm thu, bàn giao công trình vào khai thác sử dụng. Chế tài xử lý mạnh kết hợp hình thức xử phạt bằng tiền, xử phạt bổ sung, áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng đối với từng hành vi vi phạm nhằm tăng cường hơn nữa, đảm bảo công tác quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng đi vào nề nếp.
Vi phạm quy định về trật tự xây dựng (Điều 15 dự thảo) là một trong những nội dung được rất nhiều địa phương quan tâm, phản ánh được Thanh tra Bộ tập trung nghiên cứu, sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Dự thảo điều chỉnh theo hướng phân tách hành vi theo quy mô công trình để xử phạt cho phù hợp, tăng mức phạt, cụ thể phạt tiền đến 300 triệu đồng đối hành vi xây dựng công trình không phép, sai phép, sai thiết kế, sai quy hoạch xây dựng (đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư).
Phạt tiền đến 600 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc sau khi đã ban hành quyết định xử phạt (mức phạt quy định tại Nghị định 139/2017 là 350 triệu đồng). Đặc biệt tái phạm sẽ bị xử phạt đến 1 tỷ đồng (đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư). Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, trong nhiều trường hợp còn bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Nhận định về dự thảo này, theo một số chuyên gia, nếu phạt kịch khung theo Luật Xử lý vi phạm hành chính là 2 tỷ đồng (đối với tổ chức) thì cũng chưa đủ răn đe đối với các chủ đầu tư dự án vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây chính là kẽ hở để chủ đầu tư lách luật, đẩy rủi ro về phía người mua nhà.
Vì thế, để thay đổi có hiệu quả, mang tính đột phá thì Luật Xử lý vi phạm hành chính cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng mức phạt, tăng chế tài đối với các ngành, lĩnh vực có tiềm lực kinh tế lớn, trong đó có bất động sản.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm, dứt điểm mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe, chấm dứt được tình trạng đẩy thiệt hại về cho khách hàng như nhiều vụ việc từ trước đến nay. Đồng thời, cần phải quy trách nhiệm cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm đối với người đứng đầu địa phương, các cấp cán bộ khi để xảy ra vi phạm.
Dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền từ 300 triệu đồng lên 800 triệu đồng đối với việc sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại