Thứ ba 26/11/2024 00:14
Chống gian lận thương mại trên thị trường mạng:

Tăng cường các giải pháp ngăn chặn gian lận trên thị trường mạng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Nguyễn Đức Lê cho rằng, lợi dụng sự phát triển nhanh của thương mại điện tử và phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua internet dễ dàng, nhiều tổ chức, cá nhân tìm mọi cách để trục lợi, do vậy, tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt.
Thương mại điện tử phát triển mang lại nhiều thuận lợi, góp phần không nhỏ cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển đó, là tình trạng buôn lậu, hàng giả hàng nhái lợi dụng môi trường này để thâm nhập, hoành hành...
Thương mại điện tử phát triển mang lại nhiều thuận lợi, góp phần không nhỏ cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển đó, là tình trạng buôn lậu, hàng giả hàng nhái lợi dụng môi trường này để thâm nhập, hoành hành.

Dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều năm trở lại đây, hoạt động thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng không qua tiếp xúc trực tiếp với tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao. Lợi dụng nhu cầu đó của người dân, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, chủ yếu là qua hoạt động chuyển phát nhanh, qua các trang mạng để quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán các sản phẩm hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hảng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng...

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Nguyễn Đức Lê, lợi dụng sự phát triển nhanh của thương mại điện tử và phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua internet dễ dàng, nhiều tổ chức, cá nhân tìm mọi cách để trục lợi, do vậy, tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt.

Ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, thương mại điện tử trước đây chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, cao hơn là trên các sàn thương mại điện tử. Nhưng hiện nay, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok cũng bán được hàng và đây mới chỉ là bước đầu của nền kinh tế số. Chưa kể, mô hình thương mại điện tử không chỉ ở một nơi, mà đa quốc gia, lãnh thổ, lĩnh vực. “Vì vậy, việc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên không gian mạng”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Lê, tình hình hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng... được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng trên, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho nhà nước, hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mới đây, tại Công văn số 3986/VPCP-V.I ngày 28/6/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử và các văn bản liên quan.

Đồng thời, chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử (quảng cáo, giới thiệu, chào bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa); đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các cấp, bảo đảm thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ người dân và doanh nghiệp về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; có giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử cho đội ngũ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thương mại điện tử.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi việc thực hiện và tổng hợp kết quả, báo cáo Trưởng ban; đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, trên cơ sở đó đề xuất Trưởng ban tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới.
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động