Thứ ba 26/11/2024 12:13

Tâm sự của các nữ điều dưỡng trong đại dịch Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đã 2 tháng kể từ khi xuất hiện ồ ạt các ca bệnh Covid-19 chị Nguyễn Thị Thường-Điều dưỡng trưởng, khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương không được về nhà. Nhớ con, chị chỉ dám đứng từ bên trong BV nhìn từ xa. Nhịp sống của chị những ngày đó đều gắn với chăm sóc bệnh nhân Covid-19 bất kể ngày đêm.

Quá trình chăm sóc bệnh nhân Covid-19, chị Thường cùng đồng nghiệp gặp một số ca bệnh nặng, nguy kịch nên phải theo dõi sát sao, mỗi ca đứng liên tục 12 tiếng đồng hồ để làm kỹ thuật, hỗ trợ kỹ thuật cao cho bác sỹ. Có những bệnh nhân nặng trên 90kg, trong khi điều dưỡng thì nhỏ chỉ 40-45kg nên gặp khó khăn nhất định. Bên cạnh đó là nguy cơ phơi nhiễm cao từ bệnh nhân.

Không chỉ có chị Thường mà với với nữ điều dưỡng Trần Thị Thanh, những ngày làm việc trong đại dịch Covid-19 tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng thật đặc biệt. “Khác hẳn với những ngày làm việc bình thường, khung cảnh BV lắng lại không còn cảnh người bệnh tấp nập đi khám”.

Khi chăm sóc bệnh nhân Covid chúng tôi bắt buộc phải trang bị bảo hộ đầy đủ. Mặc dù đã được đào tạo phổ biến về quy trình chăm sóc bệnh nhân, bảo hộ nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng. Trước kia, hết ca làm thì tôi được về nhà nghỉ ngơi bên gia đình nhưng từ khi có bệnh nhân Covid tôi phải ở lại BV hơn 2 tháng.

Tuy vất vả gấp bội phần nhưng với điều dưỡng Thanh thì đó cũng là niềm vui trong công việc. Thanh tâm sự: Hạnh phúc của tôi là sau khi bệnh nhân trải qua tình trạng hôn mê khi tỉnh dậy ánh mắt của họ mở ra đầu tiên là nhìn chúng tôi, ánh mắt của hạnh phúc, nhìn ánh mắt ấy chúng tôi cũng hạnh phúc theo. Khi chứng kiến bệnh nhân ra viện chúng tôi đứng sau cánh cửa dâng trào cảm xúc. Đó là động lực để chúng tôi yêu và gắn bó với nghề nghiệp của mình.

tam su cua cac nu dieu duong trong dai dich covid 19
Nữ điều dưỡng Phùng Thị Liên Tỉnh, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi trung ương chăm sóc cho bệnh nhi 3 tháng tuổi nhiễm Covid-19. Ảnh: BVV

Là người xung phong chăm sóc bệnh nhi 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc nhiễm Covid-19, điều dưỡng Phùng Thị Liên Tỉnh, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi Trung ương nhớ lại: Lúc bé mới vào được lấy máu xét nghiệm ngay, bé đau và khóc. Tôi cũng nghĩ virus ở miệng, họng của bé liệu có văng vào mình hay không? liệu mình có hít phải virus đó hay không. Nhưng cũng từ đó mà công tác chuyên môn của nhân viên y tế được đẩy cao lên, nỗ lực chăm sóc bệnh nhân Covid-19 của nhân viên y tế đều nâng lên rất nhiều.

Toàn bộ nhân viên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 đều phải cách ly 14 ngày, khi đó cuộc sống của tôi bị đảo lộn vì cách ly với gia đình mình. Chồng tôi vừa là người cha vừa là người mẹ trong gia đình, lo lắng mọi sinh hoạt trong gia đình…, nữ điều dưỡng chia sẻ.

Theo khảo sát mới nhất của công đoàn y tế Việt Nam đối với 70 công đoàn cơ sở trực thuộc trong thời gian chống dịch Covid-19 cho thấy, số giờ làm việc của nhiều cán bộ y tế gia tăng đáng kể, trung bình 3,65 giờ/ngày. Ngay trong giai đoạn chưa xảy ra dịch Covid-19, môi trường làm việc của các cán bộ y tế nói chung và của điều dưỡng, nữ hộ sinh nói riêng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại đến sức khỏe.

PGS-TS Phạm Thanh Bình, Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, tỷ lệ bác sĩ/điều dưỡng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 1/4 trong khi tại nước ta hiện mới chỉ là 1 bác sĩ/1,4 điều dưỡng. Tình trạng thiếu điều dưỡng khiến họ phải làm thêm giờ, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, tại Việt Nam, mạng lưới điều dưỡng và nữ hộ sinh đã được thiết lập rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Mỗi năm có khoảng trên 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, dân số khu vực thành thị chiếm khoảng 35%, nông thôn khoảng 65%. Điều đó cho thấy, nhu cầu và vai trò rất to lớn của đội ngũ điều dưỡng và nữ hộ sinh trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em ngày càng cao.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, WHO đang kêu gọi các nước tăng cường đầu tư vào đào tạo cho điều dưỡng và hộ sinh để tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt cho điều dưỡng và hộ sinh. Sẽ không có một Chương trình y tế quốc gia hiệu quả nếu không phát huy tối đa tiềm năng của điều dưỡng-hộ sinh.

“Báo cáo về điều dưỡng thế giới năm 2020 của WHO cho thấy, Việt Nam cần phải tạo thêm nhiều việc phù hợp cho điều dưỡng. Tỷ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11,4. Tỷ lệ này chưa bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Báo cáo cũng cho thấy Việt Nam cần tăng cường đầu cư cho đào tạo điều dưỡng bởi vì có nhiều khả năng đến năm 2030 nguồn nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam sẽ thiếu khoảng 40.000 đến 50.000 người”- TS. Kidong Park nhấn mạnh.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động