Thứ năm 16/05/2024 22:56

Tài xế hất cảnh sát lên nắp capo rồi bỏ chạy: Đối tượng đầu thú liệu có được giảm nhẹ tội?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc đối tượng đầu thú có thể coi là tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên tình tiết này bắt buộc phải được Tòa án xem xét và ghi rõ lí do trong bản án chứ không đương nhiên là tình tiết giảm nhẹ.

Mới đây, CA huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Quý, SN 1986, ở thôn Phú Thuận, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa để làm rõ tội “Chống người thi hành công vụ”.

Trước đó, ngày 26- 2, Đội CSGT trật tự CA huyện Hiệp Hòa làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lí vi phạm tốc độ trên tuyến ĐT 295, đoạn thuộc địa phận xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa thì phát hiện Quý điều khiển ô tô mang biển số 99A-187.15 chạy quá tốc độ cho phép đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Nhận hiệu lệnh, Quý không những không chấp hành mà còn nhấn ga đạp tông thẳng vào tổ công tác. Để đảm bảo an toàn, anh H.N.H, cán bộ Đội CSGT-TT CA huyện Hiệp Hòa phải nhảy lên nắp capo xe ô tô của Quý.

Mặc cán bộ công an đu bám trên nắp capo, Trần Văn Quý vẫn nhấn ga bỏ chạy
Mặc cán bộ công an đu bám trên nắp capo, Trần Văn Quý vẫn nhấn ga bỏ chạy

Mặc anh H. đu bám trên nắp capo, Quý tiếp tục tăng ga bỏ chạy theo hướng đi cầu Đông Xuyên (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa). Khi Quý chạy được khoảng 2,8km thì bị CA huyện Hiệp Hòa chặn đầu, yêu cầu dừng lại. Bị chặn lại, Quý không đợi anh H. xuống xe mà chống đối, đánh lái tiếp tục bỏ chạy khiến anh H. phải nhảy xuống để đảm bảo an toàn.

Ngay sau đó, CA huyện Hiệp Hòa đã huy động lực lượng, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh đối tượng. Đến khoảng 22g cùng ngày, đối tượng Quý đến CA huyện Hiệp Hòa đầu thú.

Trao đổi về vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT và cố tình nhấn ga, tông thẳng vào tổ công tác do đối tượng Trần Văn Quý thực hiện là hành vi nguy hiển cho xã hội. Có thể tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi đã thực hiện mà đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự tương ứng.

Cụ thể, trong trường hợp đối tượng Quý đơn thuần chỉ thực hiện hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, hành vi này có bản chất là cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người đang thi hành công vụ là CSGT trong hoạt động kiểm tra, tuần tra giao thông đường bộ. Do đó, hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe sẽ bị xử lí theo Điều 21, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, ngoài hành vi không dừng xe theo hiệu lệnh, đối tượng Quý còn thực hiện thêm hành vi tông thẳng vào tổ công tác khiến cho một cán bộ của Đội CSGT-TT CA huyện Hiệp Hòa phải nhảy lên nắp capo xe ô tô. Mặc dù biết hành vi trên, nhưng Quý vẫn tiếp tục chạy thêm một đoạn được khoảng 2,8 km. “Đối với hành vi này, đối tượng Quý có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ”, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 330, BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017”, luật sư Nguyên phân tích.

Mặt khác, trong trường hợp chiến sĩ CSGT bị thương tích hoặc tổn hại đáng kể về sức khỏe thì đối tượng này còn có thể sẽ bị xử lí trách nhiệm hình sự về một tội danh khác nặng hơn là tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với tình tiết tăng nặng là: “Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Sau khi thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, đối tượng Quý đã đến CQCA đầu thú. Về hành vi này, luật sư Nguyên đánh giá đây sẽ là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho đối tượng Quý mà Cơ quan tiến hành tố tụng sau này cần áp dụng để quyết định hình phạt (nếu có).

Cụ thể, luật sư Nguyên cho biết, tình tiết giảm nhẹ này được quy định chi tiết tại khoản 2, Điều 51, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau: “2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lí do giảm nhẹ trong bản án”.

Trong vụ việc này, có thể thấy ngay lúc sự việc xảy ra đối tượng Quý đã không nhận thức được hành vi của mình. Chống đối lại tổ công tác, có hành vi gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà ảnh hưởng đến cán bộ thực thi nhiệm vụ. Xét thấy lúc thời điểm xảy ra, nếu đối tượng này có hoảng loạn không làm chủ được bản thân, biết có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của các cán bộ thực thi nhiệm vụ nhưng vẫn có những hành vi vi phạm. Tòa án có thể coi đó là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải được ghi rõ lí do giảm nhẹ.

Do đó, luật sư cho rằng, việc Quý đến đầu thú có thể coi là tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên tình tiết này bắt buộc phải được Tòa án xem xét và ghi rõ lí do trong bản án chứ không đương nhiên là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, Điều 51, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Luật sư Nguyên kiến nghị, cần ban hành những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn với những trường hợp quá kích trong việc chống người thi hành công vụ, không để lọt tội phạm, răn đe nghiêm khắc để người phạm tội không tái phạm.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động