Tại sao doanh nghiệp, người dân thờ ơ với bảo hiểm cháy nổ chung cư?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhạt tiền đến 50 triệu nếu không mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định
Theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP, chung cư là một trong những công trình phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Nghị định đã quy định: “Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ”.
Như vậy có thể hiểu, theo quy định trên thì chung cư thuộc quyền sở hữu của ai thì đối tượng đó phải mua bảo hiểm cháy nổ. Nếu công trình vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư thì chủ đầu tư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ, còn nếu chủ đầu tư đã chuyển giao quyền sở hữu chung cư đó cho cá nhân, tổ chức khác thì cá nhân, tổ chức đó có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ.
Cũng theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP, tỉ lệ phí bảo hiểm cháy nổ được quy định này là 0,05%/năm đối với chung cư có hệ thống chữa cháy tự động và 0,1%/năm đối với chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động.
Phạt tiền đến 50 triệu nếu không mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định |
Về xử lý nếu cá nhân, tổ chức “trốn” trách nhiệm trong việc mua bảo hiểm cháy nổ, trong Điều 46 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với những cơ sở thuộc diện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định.
Thậm chí trong Nghị định còn quy định phạt tiền đối với cả những doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm. Theo đó, phạt từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không có biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất cho đối tượng tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.
Chủ đầu tư trốn tránh, người dân lơ là
Thông tư, Nghị định đã có. Hơn nữa, việc mua bảo hiểm cháy nổ cho chung cư hay căn hộ của mình là một việc hoàn toàn có lợi cho người sở hữu khi có hỏa hoạn. Tuy nhiên trong thực tế, không chỉ chủ đầu tư cố tình “quên” thực hiện trách nhiệm này, mà ngay cả người dân đang sở hữu căn hộ cũng lơ là với quyền lợi của chính mình.
Về phía chủ đầu tư, theo quy định về phòng cháy chữa cháy, các chung cư cao tầng phải trang bị thiết bị báo cháy để cảnh báo khi có sự cố cháy nổ, trang bị hệ thống chữa cháy tự động bằng nước hay khí, trang bị hệ thống thông gió hút khói điều áp buồng thang. Tuy nhiên, hiện nay những vi phạm về phòng cháy chữa cháy đối với thang bộ rất phổ biến. Thậm chí nhiều chủ đầu tư cố tình không chờ nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã để cho dân vào ở.
Điều đó cho thấy, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật. Nhiều doanh nghiệp chỉ lo sản xuất kinh doanh để tăng lợi nhuận mà không có biện pháp cần thiết để bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.
Về phía người dân, khi được hỏi về bảo hiểm cháy nổ, rất ít người mặn mà về việc đó, mặc dù có thể họ nhận thức được mối nguy hiểm của cháy nổ tại chung cư, hiểu được lợi ích khi tham gia bảo hiểm. Với nhiều cá nhân, việc mua bảo hiểm cháy nổ là trách nhiệm của chủ đầu tư.
Đánh giá về việc này, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cho rằng, ý thức người dân đa phần hiện nay chưa hiểu hết đầy đủ quyền lợi và tầm quan trọng khi tham gia bảo hiểm. Do vậy người dân còn hờ hững và thờ ơ trong lĩnh vực bảo hiểm. Một phần cũng do các nhà bảo hiểm cũng chưa làm hết trách nhiệm, chưa thay đổi được tư duy và nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ của bảo hiểm cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chỉ chăm chú đến bán hàng mà chưa chú ý đến hậu mãi.
Cũng theo chuyên gia này, thay đổi tư duy và nhận thức của người dân là điều vô cùng quan trọng. Để người dân hiểu và tự nguyện tham gia bảo hiểm cháy nổ, không coi đó là trách nhiệm hay nghĩa vụ, thì trước hết, chất lượng bảo hiểm phải được nâng cao khiến cho người dân hoàn toàn thấy được quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại