Thứ sáu 08/11/2024 20:21

Suy đoán vô tội góp phần hạn chế oan, sai

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Việc bổ sung nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tránh những câu chuyện oan sai như chuyện ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn vừa qua”-  TS Vũ Gia Lâm, Trưởng bộ môn luật tố tụng hình sự, khoa pháp luật hình sự Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh tại Hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của Luật Tố tụng hình sự năm 2015 ngày 7-6.

Hội nghị do Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội tổ chức.

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật TTHS 2015 thì “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

“Với nguyên tắc này thì ngay cả khi các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử một người cũng chưa khẳng định được người đó có tội. Khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật người bị buộc tội vẫn có quyền kháng cáo để đưa là xét xử ở cấp cao hơn. Quy định này chính là “bảo bối” để người bị buộc tội yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền đảm bảo các quyền của họ trong quá trình tố tụng”, TS Vũ Gia Lâm nói.

suy doan vo toi gop phan han che oan sai
TS Vũ Gia Lâm: Bộ luật TTHS 2015 đã bổ sung nhiều nguyên tắc mới bảm đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân

Cũng theo TS Vũ Gia Lâm, “nhiều trường hợp oan sai trước đây đều là do vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội”.

“Bộ luật TTHS đầu tiên của nước ta (1988) đã tiếp thu tư tưởng về suy đoán vô tội và ghi nhận tại Điều 10: “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Điều 72 Hiến pháp 1992 cũng ghi nhận về tư tưởng suy đoán vô tội, đồng thời bổ sung quyền về bồi thường thiệt hại vật chất và phục hồi danh dự của người bị oan. Bộ luật TTHS 2003 tiếp tục ghi nhận tư tưởng về suy đoán vô tội thông qua hai quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Hiến pháp 2013 cũng kế thừa tư tưởng này tại Điều 31.

Tuy nhiên, việc quy định này còn “rụt rè”, mới chỉ là một phần của nguyên tắc suy đoán vô tội và chưa ghi nhận chính thức nguyên tắc suy đoán vô tội như Bộ luật TTHS 2015”, TS Vũ Gia Lâm nói.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động