Sự hi sinh thầm lặng của những “chiến sỹ áo trắng”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBuổi giao ban đặc biệt tại bệnh viện cách ly
Chỉ trong vòng 1 tuần, trong cuộc họp giao ban của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội đã 2 lần dành 1 phút mặc niệm, cầu nguyện, chia sẻ mất mát với gia đình nhân viên y tế đang cách ly, làm việc tại đây. Trong giây phút “sinh ly, tử biệt” mọi người đều muốn có mặt để tiễn biệt người thân, nhưng vì nhiệm vụ họ nén lòng mình, “vọng bái” người thân để tiếp tục công việc.
Sáng 22-5, tại buổi giao ban của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau phần đánh giá công việc và triển khai những phần việc tiếp theo, mọi người tham gia cuộc họp đã dành một phút mặc niệm để cầu nguyện, chia buồn với nhân viên và gia đình có người thân qua đời.
Đó là mẹ chồng của một cán bộ đang thực hiện công tác chống dịch tại bệnh viện. Khi biết tin mẹ mất, cũng là lúc gia đình chị chia 3 ngả. Con cái còn nhỏ được gửi người thân, chỉ có chồng chị may mắn về quê chịu tang trước khi có quyết định cách ly phòng dịch. Còn chị, vẫn trong khu cách ly, không được nhìn mẹ chồng lần cuối. Ngay cả đại diện bệnh viện, cũng không thể đến chia buồn cùng gia đình bởi quê chồng chị (Thanh Hóa) cũng có lệnh cách ly những người về từ vùng dịch.
Những bác sỹ tham gia giao ban tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương dành một phút mặc niệm, sẻ chia với nhân viên y tế không thể về chịu tang mẹ |
Đây là lần thứ 2 trong tuần các thành viên tham gia cuộc họp thực hiện nghi lễ này. Trước đó, trong cuộc họp giao ban ngày 15-5 nghi lễ mặc niệm cũng được thực hiện để chia buồn với gia đình của 2 vợ chồng nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch tại đây. Mẹ của nữ nhân viên đã qua đời, trong khi chị đang gửi con cho bà chăm sóc để làm việc trong tâm dịch. Khi mẹ mất đi, nữ nhân viên này không thể về tiễn biệt…
Cũng tại bệnh viện này, có những người mẹ trẻ phải tạm xa con thơ dại để thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Một nữ bác sỹ chia sẻ: “Nhìn clip thằng bé khó ngủ vật vã tìm ti mẹ mà mình chỉ lặng lẽ khóc. Nhớ lắm, nhớ cảm giác ôm con vào lòng, nắn tay nắn chân, thơm trán, dụi đầu, xoa lưng... Nhớ đến đau tim. Mình biết, còn nhiều người mẹ nữa giống mình ở trong bệnh viện này. Có bạn con mới hơn 7 tháng tuổi. Sáng nay nghe 1 bạn khóc òa vì nhớ con, mình cũng khóc theo”.
Một nữ điều dưỡng khác tên D. nghẹn ngào, nhà chị ở Đông Anh, có 2 con trai, cháu lớn 4 tuổi, cháu bé 10 tháng tuổi. Cả 2 vợ chồng đều xa nhà và gửi con cho ông bà nội trông giúp. Mặc dù tất bật vì công việc nhưng cô không thấy áp lực bằng việc khi đêm xuống cô lại nhớ đến đứa con nhỏ bắt đầu trằn trọc tìm ti mẹ rồi ngằn ngặt khóc trên tay bà nội…
Giấc ngủ vội bên vệ đường
Ở những vùng dịch khác, những “chiến sỹ áo trắng” cũng miệt mài làm việc không có thời gian để thở. Trong cái nắng nóng của mùa Hè, nhiều nhân viên y tế ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Hà Nội đã làm việc xuyên ngày đêm để lấy mẫu và chạy đua với tốc độ lây lan của virus. Nhìn hình ảnh những nhân viên y tế lả đi vì kiệt sức, được đồng nghiệp dùng quạt tay để hồi sức; hay những giấc ngủ vội vàng trên xe ô tô, ở một góc phòng, thậm chí ngay vệ đường trong đêm… khiến mỗi chúng ta không khỏi thương cảm, xót xa.
Do làm việc quá sức, họ đã có những giấc ngủ vội vàng, dù trong góc phòng... |
Tại Thái Bình, BS. Đặng Quang Huy - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Thái Bình chia sẻ: Từ cuối tháng 4-2021 đến nay chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24g sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp. Nhiều hôm nửa đêm, vừa mới thiu thiu ngủ, nhận cuộc gọi khẩn cấp, cả Đội phản ứng nhanh lại lên đường xử lý tình huống và đến các địa phương có ca nghi ngờ triển khai phương án ngay trong đêm…
Các cán bộ ở khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm phải làm việc với cường độ liên tục, gấp 4, 5 lần so với những ngày thường. Để kịp chạy kết quả mẫu xét nghiệm, mỗi cán bộ tại đây không ai được dừng tay khi máy còn chạy. Vì vậy, nhiều cán bộ làm cả tuần không kịp về nhà.
DS. Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên lại chia sẻ cảm xúc không cầm được nước mắt khi thấy cán bộ của mình kiệt sức, nằm nghỉ bên vệ đường. Lý do khiến những nhân viên này kiệt sức bởi số ca mắc Covid-19 tại tỉnh Điện Biên tăng nhanh (từ ngày 7-5 đến ngày 20-5 ghi nhận 40 ca). Những cán bộ này đi lại như con thoi giữa các xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ và BV Dã chiến Điện Biên Phủ để vận chuyển các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh…
Anh Lò Văn Linh-cán bộ y tế trong bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hôi tâm sự: Từ ngày 15-5, Điện Biên có ca mắc Covid-19 đầu tiên tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, anh đã nhận nhiệm vụ cùng lực lượng y tế xuống xã Si Pa Phìn để hỗ trợ chống dịch. Công việc hằng ngày của anh là vận chuyển những F0, F1 đến những khu cách ly, điều trị. Nhiều đêm thức trắng không ngủ để vận chuyển người bệnh nên anh cùng đồng nghiệp tranh thủ khi trên đường từ thành phố quay lại Nậm Pồ đã tìm chỗ yên tĩnh để chợp mắt rồi tiếp tục làm nhiệm vụ.
Thậm chí ngay bên vệ đường |
Hay ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ThS-BS. Đào Hữu Thân cho biết: Trong những ngày này cán bộ y tế dự phòng đã làm đến 300% sức lực chỉ để mong cuộc chiến này mau kết thúc, cuộc sống sinh hoạt của người dân được bình yên. Đó là chưa tính đến việc điều tra, truy vết các trường hợp đi từ các ổ dịch về, với hàng loạt ổ dịch xuất hiện cùng một lúc như BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; BV K cơ sở Tân Triều; Bắc Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng… thì số lượng người cần được theo dõi sức khỏe, lấy mẫu làm xét nghiệm tăng lên rất nhiều lần.
“Với điều kiện thời tiết như hiện nay, dưới cái nắng oi bức 37-38°C mà mặc đồ bảo hộ ròng rã 4-5 giờ đồng hồ để lấy mẫu xét nghiệm nóng bức, mệt mỏi không thể kể hết. Các đồng nghiệp của tôi trong những qua gần như lúc nào cũng trong trang phục bảo hộ vẫn âm thầm hoàn thành công việc không một lời kêu ca, bỏ lại sau lưng gia đình và người thân để tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh"- BS. Thân chia sẻ.
BS. Đào Hữu Thân, CDC Hà Nội chia sẻ: Các đồng nghiệp của tôi trong những qua gần như lúc nào cũng trong trang phục bảo hộ vẫn âm thầm hoàn thành công việc không một lời kêu ca |
Và để có kết quả xét nghiệm chính xác trả lại cho người dân là sự hoạt động của hàng trăm con người ở tất cả các tuyến từ cán bộ y tế xã, phường tới TP, từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đến các lực lượng có liên quan. Trong số đó có rất nhiều người đã trắng đêm không được về nhà và cũng có thể đã nhiều ngày trôi qua không được gặp mặt gia đình và người thân-BS. Thân bày tỏ.
Đó chỉ là những “lát cắt” về sự hi sinh thầm lặng của các “chiến sỹ áo trắng” trong cuộc chiến chống Covid-19. Ở trên cả nước, hàng ngày, hàng giờ còn hàng triệu những cán bộ, nhân viên y tế đang miệt mài, lăn lộn chống dịch. Vì vậy, mỗi cá nhân chỉ cần tuyệt đối tuân thủ 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khai báo, không tụ tập, khoảng cách) là đã góp phần giảm tải gánh nặng cho nhân viên y tế và góp phần thành công vào cuộc chiến chống Covid-19.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại