Thứ sáu 19/04/2024 14:14

Rùa Hoàn Kiếm khổng lồ qua đời: Hy vọng khôi phục loài rùa quý hiếm nhất thế giới vô cùng hẹp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thông tin từ lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội), một cá thể rùa mai mềm khổng lồ ở hồ Đồng Mô bị chết vào sáng 23/4.
Rùa Hoàn Kiếm khổng lồ qua đời: Hy vọng khôi phục loài rùa quý hiếm nhất thế giới vô cùng hẹp
Cá thể rùa ở hồ Đồng Mô được bẫy bắt được năm 2020. Ảnh: Chương trình bảo tồn rùa Châu Á

Khoảng 7h51 ngày 23/4, cán bộ thuộc 2 tổ chức phi chính phủ: Tổ chức Wildlife Conservation Society bảo vệ các loài động vật và vùng hoang dã trên toàn thế giới (WCS) và Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) phát hiện một cá thể rùa mai mềm lớn tại hồ Đồng Mô bị chết, nổi trên hồ, thuộc địa phận thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây). Hiện các cơ quan chức năng địa phương đang phối hợp, làm rõ nguyên nhân.

Cá thể rùa mai mềm có chiều dài toàn thân 1,56m; chiều dài mai rùa 0,98m; chiều rộng mai rùa 0,76m; cân nặng hiện tại 93kg. Nguyên nhân rùa chết chưa xác định là do bị lưỡi câu cá ăn vào, ô nhiễm môi trường, do công tác quản lý hồ, xả thải, hay do sân golf phun thuốc diệt cỏ 2,4 dimetyphenol...

Theo nhận định, cá thể rùa mai mềm bị chết nhiều khả năng chính là cá thể rùa đã được bẫy bắt thành công vào năm 2020. Khi đó, các nhà bảo tồn đã bẫy bắt thành công một cá thể rùa Hoàn Kiếm có cân nặng 86kg, chiều dài mai 99,5cm, rộng mai 75,5cm.

Sau khi bẫy bắt thành công, để khẳng định chắc chắn cá thể rùa ở hồ Đồng Mô cùng loài với cụ rùa hồ Gươm, các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu gửi đến hai phòng thí nghiệm là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Phòng Tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn – Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết quả phân tích gene của cả 2 đơn vị đều cho một kết quả, kết luận mẫu phân tích thuộc loài Giải Sin-hoe hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm.

Rùa Hoàn Kiếm là loài rùa quý hiếm nhất trên thế giới với ghi nhận chính thức chỉ có 3 cá thể. Một cá thể sống ở vườn thú Tô Châu (Trung Quốc), một cá thể ở hồ Xuân Khanh (Hà Nội) và cá thể vừa qua đời ở hồ Đồng Mô.

Riêng tại hồ Đồng Mô, các nhà bảo tồn của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á cho rằng, có ít nhất 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm ở đây. Một bức ảnh từng hai cá thể rùa Hoàn Kiếm song song. Tuy nhiên, tại đây mới bẫy bắt và xác định gene thành công một cá thể.

Theo Chương trình Bảo tồn rùa châu Á, rùa Hoàn Kiếm là loài rùa mai mềm khổng lồ được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1873, nhưng hiện có rất ít nghiên cứu về loài. Loài rùa nước ngọt lớn nhất này cũng được coi là loài rùa nguy cấp nhất thế giới.

Do đó, loài rùa này được đánh giá là Cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách đỏ IUCN 2019 và nằm trong số 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp nhất thế giới theo nghiên cứu của Liên minh bảo tồn rùa 2018.

Vào năm 2016, cụ rùa Hồ Gươm qua đời, có chiều dài toàn thân là 185cm, chiều rộng mai 100cm, nặng 169kg. Nguyên nhân rùa chết được cho là già yếu, bởi con rùa sống lâu nhất thế giới là 180 năm, trong khi rùa Hồ Gươm ước tính 200 tuổi.

Riêng tại hồ Đồng Mô, các nhà bảo tồn rùa vẫn kỳ vọng còn một cá thể rùa Hoàn Kiếm sinh sống tại đây vì từ lâu, người dân đánh bắt cá khẳng định có 1 cá thể nhỏ hơn cá thể vừa chết, đang sống trong hồ.

Được biết, cơ quan chức năng đã mang mẫu ADN của cá thể rùa bị chết đi xét nghiệm. Dựa trên kết quả ADN, cơ quan chức năng sẽ công bố cá thể rùa này thuộc chủng loại nào, có nguồn gốc từ đâu. Nếu là loài rùa Hoàn Kiếm, thuộc diện quý hiếm thì phải xử lý theo quy trình. Hiện xác cá thể rùa bị chết đang được bảo quản tạm thời ở nhiệt độ -18 độ C. Dự kiến vài ngày tới sẽ có kết quả AND.

Năm 2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm). Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh. Giai đoạn 2021- 2025, các nhà khoa học nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản, nếu được.

Đến năm 2026, các nhà khoa học sẽ thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm, tiến tới phục hồi quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới và là biểu tượng tâm linh của người Hà Nội. Với việc cá thể ở hồ Đồng Mô chết, hy vọng khôi phục rùa Hoàn Kiếm hẹp dần hy vọng.

Chiêm ngưỡng rùa khổng lồ Galapagos bạch tạng đầu tiên trên thế giới Chiêm ngưỡng rùa khổng lồ Galapagos bạch tạng đầu tiên trên thế giới
Kim Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động