Rà soát lại chính sách về y tế dự phòng để kiến nghị sửa đổi phù hợp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững năm qua, y tế dự phòng TP đã thiết lập hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ TP đến cơ sở, chủ động giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch, kể cả các bệnh dịch xâm nhập và dịch lưu hành.
Cụ thể, hệ thống y tế dự phòng TP đã thành lập 65 đội cơ động chống dịch, trong đó có 5 đội tuyến TP và 60 đội tuyến quận, huyện. Các đội chống dịch cơ động được lựa chọn và đào tạo bài bản, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, qua đó đã khống chế thành công nhiều vụ dịch lớn.
Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng duy trì đạt tỷ lệ cao trên 95% với 8 loại vắc-xin. Các chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc-xin được tổ chức hiệu quả, đã làm giảm đáng kể các loại bệnh, duy trì được thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi.
TP cũng triển khai hệ thống giám sát và tổ chức giám sát trọng điểm phát hiện các trường hợp nhiễm HIV đưa vào quản lý điều trị, duy trì chương trình giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV như phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí cho đối tượng nguy cơ…
Các đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội tiếp xúc cử tri. Ảnh: P.Thảo |
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hiện nay, công tác y tế dự phòng vẫn gặp một số khó khăn, tồn tại cầm sớm khắc phục. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, GĐ Trung tâm y tế quận Hai Bà Trung cho rằng, cần có cơ chế phối hợp, phân rõ trách nhiệm giữa y tế và chính quyền để đảm bảo hiệu quả hoạt động y tế dự phòng. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút bác sĩ về y tế cơ sở và tạo điều kiện cho các bác sỹ phát triển.
Một số ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự chủ động phòng chống dịch bệnh và phải có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan. Một số ý kiến mong muốn, TP có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí tại Hà Nội để nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Một số cử tri cũng đề nghị nâng mức xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm y tế dự phòng để tạo sức răn đe. Đồng thời, hỗ trợ truyền thông phòng, chống HIV, tạo dư luận để người bị nhiễm HIV không bị kỳ thị, có cơ chế đảm bảo thông tin cho người nhiễm HIV/AIDS…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhìn nhận, TP Hà Nội có địa bàn rộng, dân số đông, những năm qua, TP đã luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị cho ngành y tế, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ… để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tiếp thu ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu ngay sau hội nghị UBND TP giao Sở Y tế Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng ngay quy chế phối hợp giữa trung tâm y tế với các quận, huyện trong việc chăm sóc sức khỏe đời sống nhân dân cũng như phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Về chính sách khuyến khích cán bộ y tế dự phòng, UBND TP đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp tục có ý kiến với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương để tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống pháp luật, từ đó có chính sách thu hút nhân lực phù hợp.
Đồng thời, TP Hà Nội cũng sẽ tổng hợp, trình HĐND TP ra nghị quyết chuyên đề để thời gian tới ngoài chính sách chung của Trung ương, TP sẽ có chính sách thu hút được lực lượng bác sĩ có trình độ chuyên môn, ngành nghề phù hợp về làm công tác y tế dự phòng.
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội TP, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tiếp thu các ý kiến cử tri và khẳng định sẽ tập hợp các ý kiến thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành Trung ương để đề nghị khi ban hành các thông tư, nghị định cần xem xét phù hợp với thực tiễn địa phương.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP cũng đề nghị UBND TP rà soát lại tất cả các cơ chế trong lĩnh vực y tế để xác định chính sách nào cần bổ sung, thay thế để kiến nghị với Thành ủy, HĐND TP điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, TP cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại