Thứ bảy 23/11/2024 04:58

Rà soát để giảm thiểu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng viên chức

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, với nhiều điểm mới quan trọng.

So với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định quy định rõ hơn về việc các đơn vị sự nghiệp có thể bổ sung các điều kiện khác (ngoài các điều kiện quy định trong Nghị định) đối với các vị trí việc làm khi tuyển dụng nhưng những điều kiện này không được trái với quy định của pháp luật. Đồng thời, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập và phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt trước khi thực hiện.

Đồng thời, Dự thảo đã điều chỉnh quy định về thẩm quyền tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ. Theo đó, thẩm quyền tuyển dụng được giao cho người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức, thay vì giao cho cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

ra soat de giam thieu ve chung chi ngoai ngu tin hoc trong tuyen dung vien chuc
Trường ĐH Hà Nội là một trong 8 đơn vị được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ.
Ảnh: Hà Nội mới

Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định quy định rà soát để giảm thiểu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng. Theo Dự thảo Tờ trình Nghị định, việc quy định người đăng ký dự tuyển có bằng tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục chuyên nghiệp hoặc cơ sở giáo dục ĐH đã thực hiện chương trình đào tạo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học mà tương ứng với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của vị trí việc làm đăng ký dự tuyển thì không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Về ký kết hợp đồng làm việc, Dự thảo Nghị định có bổ sung nội dung mới so với các quy định trước đây để làm cơ sở xử lý trường hợp viên chức chuyển đổi đơn vị làm việc. Cụ thể, khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức; đồng thời, thực hiện chế độ tiền lương đối với viên chức phù hợp trên cơ sở căn cứ vào loại hình hợp đồng làm việc của viên chức đang được ký kết tại đơn vị sự nghiệp trước khi chuyển công tác, năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của viên chức.

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức quy định cụ thể nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành tại vòng 2 kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Đồng thời, bổ sung, làm rõ nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc. Cụ thể, đối với đơn sự nghiệp công lập tự bảo đảm về chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm về chi thường xuyên thì nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị.

Đối với đơn sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì nguồn kinh phí chi trả được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nếu không đủ thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Theo Dự thảo, với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2003, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với viên chức, bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng.

Đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày 1-7-2003 đến ngày 1-1-2012, căn cứ thời gian công tác; hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu p thực hiện việc ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn đối với viên chức, để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay về việc xác định công chức, viên chức.

Cũng theo Dự thảo, người mới trúng tuyển vào viên chức phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 60 tháng với người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức, trừ trường hợp là cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 58 Luật Viên chức, hoặc các trường hợp trúng tuyển vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Trường hợp là cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định tại Điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 58 của Luật Viên chức hoặc trường đặc biệt trong tuyển dụng viên chức theo quy định thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức thực hiện việc ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Khi viên chức chuyển đến cơ quan, đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp đang làm việc. Trường hợp viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không thực hiện việc tuyển dụng mới và không giải quyết chế độ thôi việc.

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động