Quyền bất khả xâm phạm về thân thể được thể hiện qua các bản Hiến pháp của Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Hiến pháp là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh của Đảng, là đạo luật gốc, quy định những vấn đề hết sức cơ bản của Nhà nước ta như về thể chế chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường... Trong các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, và quy định này ngày càng được hoàn thiện theo tiến trình lịch sử lập hiến ở nước ta; cụ thể:
Điều 11 Hiến pháp năm 1946 lần đầu tiên xác định một nguyên tắc về chống hành vi tùy tiện trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam như sau: “tư pháp không quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không được ai xâm phạm một cách trái pháp luật”. Quy định này của Hiến pháp năm 1946 có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ người dân trước những vi phạm nhân quyền trước việc thực hiện các hoạt động tư pháp của cơ quan, người có thẩm quyền, bao gồm các hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục.
Đến Hiến pháp năm 1959, nguyên tắc này tiếp tục được kế thừa và phát triển, tại Điều 27, 28 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được bảo đảm. Không ai có thể bị bắt nếu không có sự quyết định của Toà án nhân dân hoặc sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân.”
- Điều 69 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai có thể bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.”
- Điều 71 Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi và bổ sung năm 2001 quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm dnh dự, nhân phẩm của công dân”.
Quy định trên của Hiến pháp năm 1992 tiếp tục được kế thừa và bổ sung, hoàn thiện tại khoản 1 và khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.”
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại