Quy định về bồi thường cho các nạn nhân của hành vi tra tấn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Khắc phục thiệt hại cả về vật chất và tinh thần
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 30). Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật (khoản 5 Điều 31).
Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác” (Điều 584). Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể (Điều 361).
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bị oan, người bị thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan, gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan, người bị thiệt hại; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (các Điều 29, 30).
Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 quy định người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường (Điều 4), được thể hiện thông qua 4 nhóm quyền cơ bản sau: (1) Yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự theo quy định của Luật này; (2) Được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc tòa án giải quyết và thông báo việc giải quyết bồi thường; (3) Khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng; (4) Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 9). Đối với các cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiếp nhận, thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại; xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại, ra quyết định giải quyết bồi thường; thực hiện việc chi trả cho người bị thiệt hại và quyết toán kinh phí bồi thường; khôi phục hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại (Điều 8).
Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 nghiêm cấm cản trở người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự (khoản 3 Điều 14).
Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 quy định thẩm phán trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại thì tòa án nơi thẩm phán thực hiện nhiệm vụ xét xử có trách nhiệm bồi thường và thẩm phán đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho tòa án theo quy định của luật (khoản 6 Điều 76); Hội thẩm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại thì tòa án nơi Hội thẩm đó thực hiện nhiệm vụ xét xử phải có trách nhiệm bồi thường và Hội thẩm đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho tòa án theo quy định của pháp luật (khoản 8 Điều 89).
Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân năm 2014 quy định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát Nhân dân phải bồi thường, bồi hoàn thiệt hại gây ra khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật (Điều 59).
Luật Công an Nhân dân năm 2014 quy định sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an Nhân dân nếu vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khoẻ, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định pháp luật (Điều 42).
Luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định người khiếu nại có quyền được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 154).
Xử lý nghiêm minh đối với người mắc sai phạm
Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, trong đó đã chỉ rõ khi đã xác định có oan, sai thì phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh đối với người mắc sai phạm, xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình.
Thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại được quy định cụ thể trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Các quy định về bồi thường cho nạn nhân bị tra tấn được thực hiện theo các quy định chung về bồi thường.
Việt Nam còn triển khai các biện pháp khác, ngoài bồi thường, để phục hồi nhân phẩm của nạn nhân, quyền được an toàn và bảo vệ sức khỏe cho người này, để phòng ngừa việc tái diễn và để giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng như các chương trình xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, góp phần nâng cao nhận thức, phòng ngừa việc phạm tội, chống tái phạm. |
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể hơn các chủ thể được bồi thường bao gồm: người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật (Điều 31). |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại