Quy định đối với du khách quốc tế: Không nên có sự phân biệt đối xử
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều chuyên gia cho rằng, một khi du khách đã bước qua cửa khẩu thì phải đối xử với họ như người trong nước, ta đối xử với khách nội địa như thế nào thì cũng phải làm tương tự với họ. Ảnh: Khánh Huy |
Không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế
Bộ Y tế vừa có công văn phúc đáp Bộ VH, TT&DL về việc xin ý kiến đối với dự thảo Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ VH, TT&DL cân nhắc bổ sung, sửa đổi nội dung Dự thảo một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, ngành y tế không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế khi nhập cảnh, đồng thời yêu cầu những khách quốc tế không rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh). Bộ Y tế cũng khuyến cáo khách không nên rời khỏi nơi cư trú trong 72 giờ đầu. Trong ngày thứ 2 và thứ 3, nếu muốn rời khỏi nơi cư trú, du khách phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày (xét nghiệm nhanh hoặc PCR âm tính).
Về đề nghị của Bộ Y tế, ông Dương Xuân Tráng - GĐ Cty du lịch Mai Việt cho rằng, phản hồi của Bộ Y tế chưa sát với thực tiễn bởi thực tế khách nội địa hiện nay gần như không phải thực hiện cách ly. Trong giai đoạn số ca F0 tăng cao như hiện nay thì 24 giờ đầu khách đến có thể ở tại khách sạn bởi họ mới sang đang còn mệt. Nhưng ngày 2 và ngày 3 thì không cần thiết hạn chế đi lại. Khách có thể thực hiện test nhanh định kỳ rồi báo lại cơ quan quản lý tại địa phương. Cty Mai Việt đã gửi giới thiệu sản phẩm du lịch từ đầu năm tới đối tác nhưng riêng phần giá, vẫn phải ghi rõ là có thể thay đổi theo chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng phản hồi từ phía đối tác cho thấy do sự không nhất quán từ phía Việt Nam nên khi lập kế hoạch khách sẽ lựa chọn các điểm đến có tính ổn định hơn để không phát sinh chi phí và những thủ tục không cần thiết.
Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết, tính từ khi thí điểm đón khách quốc tế của Việt Nam từ tháng 11-2021 đến nay, lượng khách quốc tế vào không đạt như kỳ vọng. Một trong những lý do là việc công bố thời điểm triển khai quá sát và những quy định cách ly y tế đối với khách du lịch quốc tế chưa thông thoáng, rõ ràng. Khách lo lắng có sự phân biệt đối xử giữa khách quốc tế và khách nội địa trong phòng chống dịch. Các DN du lịch không dám đầu tư xúc tiến, quảng bá vì sợ các chính sách mở cửa đón khách có thể bị thay đổi.
Cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần du khách
Rất nhiều đơn vị lữ hành đang tất bật chuẩn bị các khâu cho việc đón khách trở lại cũng khá “đứng hình” khi nhận được ý kiến phản hồi của Bộ Y tế. Các đơn vị cho rằng, nếu du khách đã có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 thì không nên hạn chế du khách tham quan theo lịch trình của đơn vị lữ hành. Chỉ cần test nhanh và yêu cầu du khách ở tại nơi cư trú một ngày và điều cần thiết hiện nay là tăng cường tuyên truyền để du khách tự theo dõi sức khỏe, thực hiện nghiêm quy định 5K. Thời gian qua, các Cty du lịch, các sở ban ngành... tất bật chuẩn bị chương trình xúc tiến, truyền thông tưng bừng việc mở cửa du lịch. Giờ quay lại chính sách giống như chương trình thí điểm trước đây, vẫn phải cách ly du khách...
Đại diện một đơn vị lữ hành chủ yếu phục vụ du khách ở thị trường Pháp, Anh và Tây Ban Nha cho biết, du khách ở thị trường này có xu hướng chuẩn bị kỹ và lên kế hoạch từ trước chuyến đi vài tháng, thậm chí một năm. Mỗi hành trình kéo dài khoảng 10-15 ngày. Khách đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian bay hàng nghìn km đi du lịch chứ không phải nói hôm nay, ngày mai lên đường ngay được. Khách đến Việt Nam thường theo 2 dạng là mua tour trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian bên nước ngoài. Vì vậy, việc có khách sớm hay muộn còn liên đới DN khác. Mình phải đưa ra lịch trình tham quan, thời gian khởi hành cụ thể thì họ mới quảng cáo và bán được tour. Ngoài ra, đón đoàn đông, đơn vị lữ hành phải làm việc trước với hãng hàng không nhằm thỏa thuận mức giá tốt, giữ chỗ trống. Vì vậy, khi thông tin còn quá mơ hồ, các DN chỉ dừng ở khâu tư vấn.
Hiện nay, nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á đang cạnh tranh trong việc thu hút khách trở lại. Campuchia mở cửa cho người đã tiêm vắc-xin, chỉ cần test nhanh trước khi nhập cảnh, Philippines hoàn toàn dỡ bỏ các rào cản nhập cảnh, Thái Lan thực hiện chương trình Test & Go nhanh chóng, tiện lợi. Trước đó, Thái Lan bắt đầu thử nghiệm đón khách quốc tế từ giữa tháng 7-2021 thông qua mô hình Phuket Sandbox. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp thời điểm đó, nhờ các giải pháp chiến lược rõ ràng và cụ thể của Phuket Sandbox, ngành du lịch Thái Lan đã nắm giữ được bài học quan trọng nhất, là biết cách vận hành như thế nào để vừa bảo đảm an toàn, vừa hài lòng du khách. Chỉ tính riêng ở Phuket, du lịch Thái Lan đã kịp đón hơn 28.000 lượt khách và thu về ít nhất 48 triệu USD trong hai tháng triển khai thí điểm. Philippines cũng chính thức mở cửa đón khách trở lại từ 10-2 và đến hết tháng đã có hơn 47.000 khách du lịch...
Theo ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, với quy định của Bộ Y tế thì sẽ không có khách du lịch quốc tế đến nước ta. Ông Nam cho rằng, một khi du khách đã bước qua cửa khẩu thì phải đối xử với họ như người trong nước. Ta đối xử với khách nội địa như thế nào thì cũng phải làm tương tự với họ. Cũng tiêm số mũi vắc-xin như nhau nhưng khách nội địa được đi chơi thoải mái, còn khách ngoại phải cách ly thì không thể được. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại