Thứ bảy 23/11/2024 10:15
TP Hà Nội đóng góp ý kiến vào Dự thảo Đề án thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC:

Quy định các cơ quan chuyên môn cử CBCC đến làm việc tại Bộ phận Một cửa là chưa phù hợp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 28-9, đoàn khảo sát Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (TTHC)-Văn phòng Chính phủ do ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC đã làm việc tại UBND TP Hà Nội để lấy ý kiến về Dự thảo Đề án thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. 

Hà Nội giải quyết đúng hạn 99,04 % hồ sơ

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, ông Ngô Hải Phan cho biết, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC triển khai trong phạm vi toàn quốc, áp dụng với tất cả các Bộ, ngành, địa phương. Điểm nhấn của Nghị định này là trung tâm dịch vụ hành chính công để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Đến nay đã có 55/63 trung tâm phục vụ hành chính công tại các tỉnh, TP. Đối với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể tổ chức phân tán hoặc tập trung tại các sở, ngành.

Trong quá trình triển khai, mong muốn của Chính phủ là cần phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Vì vậy, Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, không phụ thuộc địa giới hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

“Mong muốn của Chính phủ là phải đổi mới, cụ thể là giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính, theo đó người dân chỉ cần đến địa điểm một cửa có thể giải quyết TTHC mà không cần đến thêm nơi khác. Để đổi mới theo hướng này, điều kiện tiên quyết là phải có hệ thống một cửa và Cổng dịch vụ công của địa phương và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia”, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, từ yêu cầu đó, Đoàn công tác của Cục Kiểm soát TTHC làm việc với UBND TP Hà Nội nhằm trao đổi, nắm bắt thông tin trong quá trình triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của TP Hà Nội; nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn của Hà Nội trong triển khai cơ chế này.

quy dinh cac co quan chuyen mon cu cbcc den lam viec tai bo phan mot cua la chua phu hop
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát THHC-Văn phòng Chính phủ: Mong muốn của Chính phủ là phải đổi mới, cụ thể là giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính (ảnh V.H)

Báo cáo của Văn phòng UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho thấy: Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương, lấy người dân, tổ chức làm trung tâm; tạo thuận lợi cho việc thực hiện TTHC;

Nghị định này cũng thống nhất quy định về tổ chức và hoạt động của Bộ phận Một cửa tại cơ quan hành chính các cấp cũng như quy định cụ thể về nhiệm vụ của Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử; Tăng cường cơ chế đánh giá, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước cũng như trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, công chức thực hiện nhiệm vụ; đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC, về cơ bản, các TTHC trên địa bàn đều được giải quyết đúng thời hạn quy định, nhiều hồ sơ TTHC được trả trước hạn. Tính từ năm 2018 đến nay, toàn TP đã tiếp nhận 28.127.894 hồ sơ (bao gồm cả số hồ sơ TTHC do cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tiếp nhận, giải quyết), đã giải quyết đúng hạn 27.859.511 (tỷ lệ đúng hạn 99,04 %).

Cụ thể, năm 2018, toàn TP tiếp nhận, giải quyết 14.886.391 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn 14.885.700 hồ sơ (tỷ lệ đúng hạn 99,55%); Năm 2019, toàn TP tiếp nhận, giải quyết 11.463.013 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn 11.344.386 hồ sơ (tỷ lệ đúng hạn 99,1%); Quý 1-2020, toàn TP tiếp nhận, giải quyết 1.778.490 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn 1.629.425 hồ sơ (tỷ lệ đúng hạn 99,8%); Quý 2-2020, toàn TP tiếp nhận và giải quyết 1.778.490 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn 1.686.457 hồ sơ (tỷ lệ đúng hạn: 94.8%)…

Việc thực hiện mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công chưa thực sự phù hợp

Bên cạnh đó, báo cáo của Văn phòng UBND TP cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về tổ chức của Bộ phận Một cửa tại cấp tỉnh phải “Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công hoặc trường hợp chưa đủ điều kiện...”-không có quy định “mở” sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các địa phương trong cả nước do tình hình thực tế, điều kiện và quy mô của từng địa phương khác nhau cũng như đánh giá về tính khả thi, hiệu quả của mô hình Trung tâm chưa thực sự như kỳ vọng.

Với vai trò là Thủ đô, trung tâm chính trị của cả nước, TP xác định mục tiêu phát triển “đô thị thông minh; chính quyền điện tử” với nhiều giải pháp đồng bộ và thống nhất, đặc biệt là việc lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp hàng đầu trong việc phục vụ xây dựng TP trong tương lai. Do vậy, việc thực hiện mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công như quy định là chưa thực sự phù hợp với TP, dù được cho phép tổ chức từ 2 đến 3 Trung tâm (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) với các vấn đề như: việc tập trung công dân đến giao dịch tại Trung tâm; diện tích và vận hành của một Trung tâm; biên chế cán bộ, công chức; các hệ thống công trình phụ trợ phục vụ công dân đến giao dịch; hạ tầng giao thông, dịch vụ giao thông kết nối trên địa bàn…

quy dinh cac co quan chuyen mon cu cbcc den lam viec tai bo phan mot cua la chua phu hop
Ông Lê Tự Lực, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc (ảnh V.H)

Văn phòng UBND TP cũng cho rằng, cần quy định và xác định rõ vai trò của người đứng đầu Bộ phận Một cửa và công chức thuộc Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện là chuyên trách hay kiêm nhiệm. Thực tế cho thấy, khi không có quy định cụ thể, các đơn vị hiện nay đều xác định trách nhiệm của cán bộ được phân công phụ trách Bộ phận Một cửa hiện đang là kiêm nhiệm trong khi khối lượng công việc của Bộ phận là rất lớn và khi thực hiện kiêm nhiệm thì còn nhiều nhiệm vụ khác của đơn vị được phân công-điều này chưa thực sự phù hợp và gây áp lực quá tải cho cán bộ được giao nhiệm vụ. Đồng thời, quy định về việc các cơ quan chuyên môn cử cán bộ, công chức đến làm việc tại Bộ phận Một cửa chưa phù hợp thực tế, có nhiều bất cập trong triển khai.

Nguyên nhân do tại các cơ quan hành chính đặc biệt là tại UBND cấp huyện và UBND cấp xã, có những lĩnh vực có phát sinh hồ sơ hành chính nhưng số lượng hồ sơ không nhiều hoặc hồ sơ phát sinh theo đợt; Biên chế cán bộ, công chức tại các phòng, ban chuyên môn hạn chế; Do điều kiện có hạn về diện tích đât xây dựng, nên Bộ phận Một cửa tại một số đơn vị nội thành còn hạn chế. Do đó, việc bố trí cán bộ cũng như vị trí làm việc tại bộ phận bị ảnh hưởng. Mặt khác, do hồ sơ TTHC các lĩnh vực có khác nhau, nên lượng việc của mỗi cán bộ tiếp nhận cũng khác nhau (người nhiều việc, người ít việc)…

Từ những vướng mắc, khó khăn nêu trên, Văn phòng UBND TP đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đánh giá thêm tác động của việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các địa phương (đặc biệt đối với cấp xã và cấp huyện) để xem xét, quyết định việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo hiệu quả thực hiện trong thực tế.

Kết luận buổi làm việc, ông Ngô Hải Phan cho biết, Đoàn công tác ghi nhận các ý kiến góp ý, các kiến nghị của Văn phòng UBND TP Hà Nội nhằm hoàn thiện Dự thảo đề án. Đề án dự kiến lựa chọn một vài địa phương, tại các địa phương này lựa chọn một vài nơi để thí điểm theo đúng mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp giải quyết TTHC. Ông Ngô Hải Phan cũng nhấn mạnh việc thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông là việc chia sẻ nhiệm vụ, quyền lợi từ cơ quan hành chính nhà nước sang tổ chức khác. Do đó, rất cần sự quyết tâm cao của Bộ, ngành, địa phương để đổi mới theo đúng định hướng của Chính phủ.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động