Chủ nhật 24/11/2024 19:37

Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Chiều 14-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Trong đó, đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhất là việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy. Rà soát, đánh giá việc thực hiện, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Tiếp tục triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng công an, hải quan, biên phòng và cảnh sát biển trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng hàng không, hàng hải và trên biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy sang nước thứ 3; nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác cai nghiện, quản lý đối với người nghiện, cơ sở cai nghiện ma túy.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm tại địa bàn cơ sở và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh cầm đồ, dịch vụ tài chính liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; phát hiện, xử lý nghiêm các hoạt động siết nợ, đòi nợ thuê, băng nhóm đòi nợ có tính chất “xã hội đen”, “bảo kê” vi phạm pháp luật.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020. Rà soát, đấu tranh, triệt phá các đường dây, đối tượng môi giới mua bán người, tổ chức cho người ra nước ngoài mang thai hộ trái pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất, nhập cảnh của công dân; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống mua bán người; hoàn thiện quy trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em…

Trong lĩnh vực xây dựng: Rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở, quản lý đô thị, kinh doanh bất động sản bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Sửa đổi quy định liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư, trong đó chú trọng đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý, quy trình vận hành và quỹ bảo trì nhà chung cư. Có cơ chế, chính sách đẩy nhanh việc cải tạo các chung cư, tập thể cũ, xuống cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị, giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng; kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, gắn với giảm áp lực dân số nội đô, phù hợp với hệ thống hạ tầng, công trình văn hóa, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, cảnh quan đô thị, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng bộ và được sự đồng thuận của người dân.

Có chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo kiếm lợi; xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản; rà soát, xử lý các khu dân cư tự phát, các dự án không có người ở.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý trật tự đô thị, hoạt động xây dựng, quản lý thị trường bất động sản, quản lý vận hành nhà chung cư. Tổng kết, hoàn thiện mô hình thanh tra xây dựng đô thị cho phù hợp với thực tiễn.

quoc hoi thong qua nghi quyet ve hoat dong chat van
Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải: Sửa đổi quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa taxi truyền thống, taxi công nghệ và xe vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử; nghiên cứu hoàn thiện quy định về xử phạt đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông qua trích xuất hình ảnh từ thiết bị ghi hình.

Thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án giao thông trọng điểm. Xử lý các vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án giao thông, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; có phương án giải quyết dứt điểm các dự án đang thực hiện dở dang chưa được bố trí vốn.

Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng cường thanh tra, kiểm tra các trung tâm đăng kiểm, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe và xử lý nghiêm các vi phạm; kiểm soát chặt chẽ xe quá khổ, quá tải và xe hết niên hạn sử dụng. Năm 2019, hoàn thành Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21-10-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT). Đến hết năm 2019, tất cả các trạm thu phí thực hiện thu phí tự động không dừng; rà soát, xử lý các vướng mắc tại một số trạm thu phí BOT giao thông đường bộ, trong đó tập trung xử lý nghiêm các vi phạm trong việc thu phí. Giám sát chặt chẽ và công khai việc thu phí hoàn vốn của các dự án BOT giao thông…

Thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; rà soát, khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến quốc lộ. Thực hiện kết nối dữ liệu giám sát hành trình của tất cả phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa với cơ quan có thẩm quyền quản lý; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải sử dụng nhiều lái xe, lái tàu có hành vi vi phạm pháp luật…

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; chú trọng công tác hướng dẫn thi hành pháp luật, phối hợp giải quyết những nội dung có tính chất liên ngành, liên vùng. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đặc biệt là các di tích cấp quốc gia, tác phẩm nghệ thuật có giá trị, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Đẩy mạnh đầu tư, có chính sách thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và khuyến khích nhà văn, nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tạo, hỗ trợ hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Phát huy vai trò chủ động của các địa phương trong công tác quản lý, khai thác và bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, bảo đảm quyền tham gia của người dân. Tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc tổ chức phát hành, phổ biến phim, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, cuộc thi người đẹp, người mẫu…

Tổ chức thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý và sử dụng nguồn thu từ các di sản văn hóa. Công khai, minh bạch thông tin về các dự án đầu tư khu du lịch tâm linh theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân, đấu tranh phòng, chống mê tín dị đoan. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng hành nghề mê tín dị đoan nhằm thu lợi bất chính.

Rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch với mục tiêu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch tại các địa phương; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch; kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch, bảo đảm chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn cho du khách; chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc liên doanh, liên kết tổ chức du lịch giá rẻ, không bảo đảm chất lượng dịch vụ; tăng cường quản lý hoạt động tổ chức đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài…

Đăng Khôi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động