Phường múa rối nước Đào Thục - nơi lưu giữ hồn dân tộc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThủy đình làng múa rối nước Đào Thục. Ảnh: Văn Biên |
Làng nghề hơn 300 năm tuổi
Làng nghề truyền thống múa rối nước Đào Thục (còn gọi phường múa rối nước Đào Thục) xuất hiện từ thời Hậu Lê, có tuổi đời khoảng hơn 300 năm. Lúc bấy giờ, trong làng có một nghệ nhân tên là Nguyễn Đăng Vinh, giữ chức vụ Nội giám dưới thời nhà Lê. Với tình yêu môn nghệ thuật rối nước, ông đã tiếp thu những kỹ năng múa rối nước trong triều đình rồi về truyền dạy, thành lập 4 phường múa rối, là phường Võ, phường Cối, phường Thợ, phường Dệt và phường Đào Xá (sau này đổi tên thành Đào Thục).
Tuy nhiên, chỉ có phường múa rối nước Đào Thục là phát triển, giữ gìn nét văn hóa truyền thống này đến tận ngày nay. Sau này khi nghệ nhân Nguyễn Đăng Vinh mất, người dân làng nghề đã phong thần, lập bia để vinh danh công lao của ông. Ngày giỗ ông (24/2 Âm lịch), dân làng thường tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị Tổ nghề múa rối nước.
Về tên gọi, nhiều nghệ nhân của làng kể lại, trước đây, làng có tên là Đào Xá, đến thời vua Đồng Khánh (1886-1888) thì được được đổi thành Đào Thục. Từ “Thục” trong “Đào Thục” có nghĩa là thục nữ, đoan thục. Tương truyền rằng vùng đất Thụy Lâm có rất nhiều người con gái nết na, xinh đẹp, giống như câu: “Đào Xá có đất trồng bông/Con gái ra đồng trông tựa tiên sa”.
Nghệ thuật biểu diễn rối nước Đào Thục có hơn 20 tích trò, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng gắn liền với đời sống của người nông dân như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá, các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa hay diễn lại những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh,… Cùng với thời gian, các nghệ nhân không ngừng sáng tạo những câu chuyện mới mẻ, đặc sắc, gần gũi với đời sống hiện đại nhưng vẫn thấm đẫm hồn dân tộc.
Theo các nghệ nhân của phường múa rối nước Đào Thục, biểu diễn con rối ở dưới nước đòi hỏi kỹ thuật khó và công phu hơn so với biểu diễn rối trên cạn. Các nghệ nhân lấy mặt nước làm sân khấu. Họ đứng đằng sau tấm màn biểu diễn rồi thỏa sức sáng tạo, thổi hồn vào những con rối ngộ nghĩnh, đáng yêu qua từng động tác hết sức điêu luyện.
Để có những màn biểu diễn thành công, nghệ nhân phải kết hợp kỹ năng di chuyển thân hình và các bộ phận, hành động làm kịch của con rối một cách uyển chuyển. Cùng với đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa người điều khiển rối với diễn viên hát, nhạc công tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn.
Ông Đặng Minh Hưng (Trưởng phường rối nước Đào Thục) giới thiệu cho du khách nước ngoài về nét văn hóa đặc sắc của nghệ thuật múa rối nước. Ảnh: Văn Biên |
Để múa rồi nước Đào Thục vươn xa
Nghệ nhân của phường múa rối nước Đào Thục phần lớn làm nghề nông. Công việc đồng ánh bận rộn, vất vả nhưng họ vẫn giữ niềm đam mê với nghệ thuật độc đáo mà cha ông để lại, cùng nhau gìn giữ, phát triển, lan tỏa đến cộng đồng. Ông Đặng Minh Hưng (64 tuổi), trưởng phường múa rối nước Đào Thục chia sẻ, phường múa rối nước Đào Thục vẫn truyền dạy nghề cho các thế hệ.
Đến nay, phường có gần 50 thành viên, trong đó có 10 cựu nghệ nhân kỹ thuật, đảm nhận việc cố vấn diễn, kỹ năng, kỹ xảo cho các thế hệ trẻ. Phường có 20-30 nghệ nhân có thể thường xuyên biểu diễn. Về sản xuất con rối, phường có 5 nghệ nhân sản xuất, chế tác, sửa chữa, tôn tạo con rối. Ngoài hoạt động biểu diễn, 4 nghệ nhân trong số này làm thêm các nghề khác nhau, duy nhất 1 nghệ nhân làm nghề thường xuyên.
Theo trưởng phường múa rối Đào Thục, trung bình 1 tháng trước dịch, phường biểu diễn khoảng hơn chục ca diễn. Sau dịch, khán giả đến xem ít hơn, mỗi tháng có khoảng 6 ca. Bên cạnh việc biểu diễn cho khán giả đến xem ở đình làng, các nghệ nhân của phường múa rối còn đi diễn lưu động dịp hội hè hay tại các trường học. Chỉ cần khán giả có nhu cầu, các nghệ nhân múa rối nước Đào Thục sẵn sàng lên đường phục vụ.
Bên cạnh những khó khăn do dịch Covid-19, phường múa rối nước Đào Thục hiện nay đứng trước nhiều thử thách. Trong đó có việc thế hệ trẻ của làng nghề không mấy mặn mà với múa rối. Bên cạnh đó, ngoài biểu diễn nghệ thuật, các nghệ nhân còn làm nhiều nghề mưu sinh nên khó theo đuổi nghề thường xuyên. Kinh phí hoạt động, hỗ trợ các nghệ nhân, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất (làm mới, sửa chữa, tôn tạo con rối bị khấu hao,…) còn hạn hẹp.
Thế nhưng, để đáp lại những tình cảm của khán giả dành cho nghệ thuật múa rối nước, đồng thời gìn giữ, phát triển nét văn hóa múa rối nước Đào Thục, các nghệ nhân của phường đã không ngừng cố gắng, nỗ lực sáng tạo những tiết mục mới lạ, đặc sắc, ấn tượng, phù hợp với thị hiếu của khán giả. Phường múa rối nước Đào Thục đã mở rộng liên kết với nhiều Cty du lịch trong và ngoài nước để quảng bá trên các kênh truyền hình, website du lịch, văn hóa, mạng xã hội,… góp phần lan tỏa văn hóa múa rối nước.
Ngoài ra, phường chú trọng đến việc đào tạo các thế hệ kế cận. Năm 2022, phường đã tổ chức hai đợt đào tạo nghề cho nhiều học viên. Ai theo được nghề sẽ được công nhận là nghệ nhân của phường.
“Đa phần nghệ nhân phường múa rối Đào Thục làm nghề nông. Họ biểu diễn là vì đam mê nghệ thuật, gìn giữ nghề và tạo cảm hứng, lan tỏa cho thệ hệ trẻ cũng như khán giả. Ngày nay, con em của làng ra ngoài học hành, làm việc, các cháu có nhiều đam mê, sở thích khác.
Thế nhưng, chúng tôi vẫn luôn cố gắng tuyên truyền, động viên, khích lệ các cháu, truyền dạy nghề, cảm hứng để các cháu trân trọng, có ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống cha ông để lại. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp, ban, ngành, đoàn thể quan tâm hơn đến múa rối nước và hy vọng nghệ thuật múa rối nước Đào Thục sẽ sớm được công nhận là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, ông Đặng Minh Hưng chia sẻ.
Trải qua hơn 300 năm phát triển, nhiều thế hệ phường múa rối Đào Thục vẫn say mê, giữ lửa nghề. Nhiều gia đình, dòng họ trong làng có 5 đời giữ gìn nghề múa rối nước. Họ yêu nghề bằng tình yêu son sắt, thủy chung.
Dù nghề có những thăng trầm nhưng ai cũng mong muốn đóng góp một phần công sức của mình vào việc kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô và đất nước, để nhiều năm về sau, khi nhắc đến Việt Nam, Hà Nội, các du khách trong nước và quốc tế đều sẽ biết đến một nơi luôn lưu giữ nét văn hóa đặc sắc, ấn tượng, là phường múa rối nước Đào Thục.
Nơi lưu giữ dấu chân Người | |
Hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc | |
Thăm nơi lưu giữ chiến tích Hà Nội 12 ngày đêm bão lửa |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại