Chủ nhật 19/05/2024 10:22

Phòng Thư ký tòa soạn: Những đầu bếp chịu áp lực “làm dâu trăm họ”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để có được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng, bất kỳ tờ báo nào cũng cần một quá trình và đằng sau đó là sự cống hiến, chung sức đồng lòng của cả tập thể. Báo Pháp luật & Xã hội cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Trong khuôn khổ bài viết kỷ niệm sinh nhật báo Pháp luật & Xã hội tròn 14 tuổi, tôi xin được nói về phòng Thư ký tòa soạn - nơi được gọi là “bếp núc” của tòa soạn.

Phòng Thư ký tòa soạn những ngày đầu

Tôi vẫn còn nhớ thời điểm cuối năm 2008, khi mới nhận công tác tại báo Pháp luật & Xã hội và ngay cả bây giờ, thỉnh thoảng, trong những câu chuyện nghề, tôi vẫn được nghe các bậc “tiền bối” kể về quá trình làm báo ngày xưa. Lúc ấy, Tòa soạn chỉ là dãy nhà 2 tầng ở phố Nguyễn Văn Tố, cơ sở vật chất không khang trang, hiện đại như bây giờ. Bởi thế mà việc xuất bản một số báo cũng hoàn toàn thủ công và bằng sự tỉ mẩn, chỉn chu của những con người hết sức tâm huyết.

Cơ sở vật chất thiếu thốn là vậy, nhưng căn phòng làm việc đơn sơ của phòng Thư ký tòa soạn lại luôn rộn rã tiếng nói cười của đội ngũ PV, CTV đến từ các địa phương. Không phân biệt tuổi tác, công việc hay địa vị, họ gặp gỡ, trao đổi để tìm tiếng nói chung, sự đồng cảm với nghề. Nhiều tập bản thảo dày hàng trăm trang với những bài phóng sự điều tra hay đơn thuần là những bài phản ánh, gương người tốt việc tốt đều được xếp ngay ngắn.

Đã gần 12 năm trôi qua, nhớ lại những ngày đầu làm việc tại phòng Thư ký tòa soạn, đó cái cảm giác hồi hộp xen lẫn lo lắng mỗi lần cầm trên tay số báo mới xuất bản. Tôi đã từng cười rạng rỡ cả ngày chỉ vì hôm đó báo không bị sai sót gì và tôi cũng đã từng khóc như một đứa trẻ khi mình để xảy ra những lỗi cơ bản mà không thể giải thích nổi vì sao... Làm việc tại phòng Thư ký tòa soạn, tôi được tiếp xúc, cảm nhận và hiểu rõ hơn công việc vất vả mà trước đây mới chỉ được nghe qua lời kể.

“Thời kỳ đầu, báo Pháp luật & Xã hội chỉ xuất bản 1 tháng 1 số báo, 8 trang nhưng đó là khoảng thời gian vô cùng vất vả với đội ngũ làm báo, bởi áp lực công việc nặng nề trong khi nhân sự ít, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề. Điều này cũng giải thích vì sao với những số báo xuất bản thời kỳ đầu, vấn đề sai sót, nhầm lẫn thông tin khó tránh khỏi, có khi đang say giấc mà nghe chuông điện thoại của Thư ký tòa soạn là biết chắc chắn số báo ngày hôm đó có vấn đề... Giờ, báo Pháp luật & Xã hội được độc giả đón nhận bởi nội dung phong phú, chất lượng và có lẽ một phần cũng bởi những con người tận tình, tâm huyết…”.

phong thu ky toa soan nhung dau bep chiu ap luc lam dau tram ho
Tổng biên tập Nguyễn Xuân Khánh chỉ đạo phòng thư ký thực hiện báo Tết năm 2020. Ảnh: Khánh Huy.

Những áp lực nào ai biết

Đối với phòng Thư ký tòa soạn Áp lực lớn nhất chính là thời gian. Thời gian buộc những bánh răng trong cỗ máy phải chuyển động liên tục với tốc độ chóng mặt của thông tin, buộc mỗi con người phải có trách nhiệm với chính mình, với từng vị trí công việc trong dây chuyền xuất bản và không ai có thể “đẩy bóng” cho ai, bởi những nhầm lẫn nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Áp lực tiến độ thời gian - là sự nhọc nhằn nhất và luôn diễn ra triền miên với mỗi nhà báo dù ở bất cứ khâu nào.

Và điều này cũng làm cho mỗi con người trong cỗ máy tòa soạn bị ảnh hưởng không nhỏ từ nếp nghĩ đến cách ăn nói... Áp lực ấy “dội” vào đội ngũ họa sĩ, BTV theo những cách khác nhau với đặc thù công việc. Những ngày có ca trực cũng là những ngày bữa cơm tối với gia đình được thay bằng bữa ăn vội vàng với đồng nghiệp. Phía trước là con chữ, trang báo, là sự chính xác, là tiến độ... của toàn bộ kíp trực. Thoảng trong bộn bề với công việc, với tất bật chạy đua cùng thời gian ấy, các nữ nhà báo ở tòa soạn là nỗi lo về con cái, gia đình...

Để có thể cùng tiến về phía trước, những họa sĩ, BTV... của phòng Thư ký tòa soạn đều hiểu và xác định sự vất vả, lo lắng cá nhân cũng không thể lớn hơn, nằm ngoài sự tất bật, sự cẩn trọng, tỉ mỉ trong nỗi lo chung của tập thể. Đó là đội ngũ họa sĩ, ngày qua ngày luôn tìm tòi, luôn chủ động, sáng tạo, biến tấu cách trình bày các trang báo một cách đẹp mắt. Đó là bộ phận biên tập, như những chú ong cần mẫn, chăm chỉ sửa lỗi, biên tập từng câu chữ trong các bài viết. Đặc biệt, báo Pháp luật & Xã hội là cơ quan ngôn luận của Sở Tư pháp TP Hà Nội, chính vì vậy, những người làm phòng Thư ký tòa soạn không đơn thuần chỉ là sửa chữa văn phong, câu từ của bài viết mà quan trọng hơn cả là tham mưu giúp Ban Biên tập giữ vững tôn chỉ và mục đích của tờ báo.

Mặc dù thời kỳ sau này, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, quy trình làm báo không còn gặp nhiều hạn chế, sai sót như ngày xưa, tuy nhiên, công việc của phòng Thư ký tòa soạn vẫn không kém phần vất vả, nặng nề. Điển hình là những đợt làm báo Tết, các sự kiện chính trị quan trọng của ngành Tư pháp, xuất bản các số đặc biệt, các số chuyên đề… Có những ngày, phòng Thư ký tòa soạn gần như “cắm chốt” ở tòa soạn, đến mức chị em vẫn thường đùa với nhau rằng, gặp đồng nghiệp còn nhiều hơn cả gặp chồng con. Những lúc làm báo Tết, họ phải gác chuyện gia đình sang một bên, nhờ bên nội ngoại hỗ trợ, giúp đỡ con cái để tập trung toàn bộ sức lực, trí tuệ vào công việc. Đến lúc số báo Xuân xuất bản, nhận được sự hài lòng, ngợi khen của Ban Biên tập, đặc biệt là sự đón nhận nhiệt tình của độc giả, lúc đó, họ mới thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình…

Chúng tôi, những người làm tại phòng Thư ký tòa soạn của báo Pháp luật & Xã hội cảm thấy vui làm sao sau mỗi buổi sáng thức dậy trước bình minh, tờ báo Pháp luật & Xã hội vừa mới in xong đang hối hả theo xe về các ngả… Có những khi cầm tờ báo trên tay, những người hôm qua vừa “chế biến” cũng cảm thấy vui sướng khi chính mình trở thành một bạn đọc và cảm thấy hài lòng. Dù khó khăn, vất vả, nhiều lo toan trong cuộc sống, nhưng những “người thợ” của phòng Thư ký tòa soạn báo Pháp luật & Xã hội vẫn tâm huyết, yêu nghề, thậm chí có thể nói vẫn hy sinh thầm lặng...

Bởi lẽ, chúng tôi tự hào vì đã và đang góp phần làm nên thương hiệu của báo Pháp luật & Xã hội!

Thanh Tuấn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động