Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy lên tiếng trước thông tin ép học sinh không thi vào lớp 10
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Đoàn Tiến Trung - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy tại buổi họp báo |
Theo đó, ông Đoàn Tiến Trung - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy khẳng định, từ đầu các năm học, Phòng GD&ĐT đều yêu cầu tất cả các nhà trường quán triệt trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo, thực chất; quan tâm thi lớp 9 và đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết.
Tuyệt đối không để xảy ra các hiện tượng ép buộc, ép học sinh yếu, học sinh trung bình chuyển ra các trường ngoài công lập hoặc không được dự thi vào lớp 10. Điều đó xuyên suốt trong tất cả các văn bản chỉ đạo của phòng GD&ĐT trong các cuộc họp giao ban với BGH các nhà trường.
Theo ông Trung, ngày 18/4/2022, tại Công văn số 102 của Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy gửi các trường THCS nhấn mạnh rất rõ yêu cầu không được có các biện pháp để ép học sinh chuyển trường ra khỏi trường công lập hoặc không dự thi lớp 10.
Trong công văn cũng nêu rõ, trường nào để xảy ra những sự việc như trên, hiệu trưởng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, sau khi nắm bắt tình hình, BGH các nhà trường, hiệu trưởng các nhà trường THCS trên địa bàn quận cũng đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của ngành cũng như của phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy tới tất cả cán bộ, giáo viên, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm.
Thông tin về việc trường THCS Dịch Vọng ép học sinh yếu kém không thi vào lớp 10 cũng như yêu cầu học sinh, phụ huynh cam kết và gặp gỡ, tư vấn đối với 50% số học sinh của lớp, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin, phòng GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường triển khai rà soát và báo cáo về phòng GD&ĐT.
Trong sáng 20/4/2022, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy, Phòng GD&ĐT đã xuống kiểm tra, yêu cầu nhà trường báo cáo và kiểm tra toàn bộ hồ sơ học sinh lớp 9, các buổi gặp về việc có hay không việc ép học sinh phải chuyển ra trường ngoài công lập.
Ông Trung thông tin, qua kết quả kiểm tra và nắm bắt tình hình, trường THCS Dịch Vọng năm học này có 12 lớp cùng 596 học sinh. Từ đầu năm học đến nay, trong tổng số học sinh lớp 9 của trường có 11 học sinh chuyển đi, trong đó từ tháng 1/2022 đến nay chỉ có 4 học sinh chuyển đi.
Trong số 11 học sinh chuyển đi có 3 học sinh chuyển trong nội thành Hà Nội, còn lại chuyển các tỉnh. Từ học kỳ 2 (tháng 1/2022) đến nay, trong số 4 học sinh chuyển trường có 3 học sinh chuyển sang tỉnh khác, chỉ có 1 học sinh chuyển trong nội thành Hà Nội.
Bên cạnh đó, trong số 4 học sinh chuyển trường đi, có 1 học sinh học lực khá giỏi, 2 học sinh học lực khá, 1 học sinh học lực trung bình. Như vậy, việc chuyển trường là do nhu cầu thực của phụ huynh học sinh. “Phòng GD&ĐT cũng đã tổ chức gọi điện trao đổi trực tiếp đến tất cả phụ huynh học sinh là đối tượng chuyển trường.
Qua trao đổi, các phụ huynh học sinh đều có chung câu trả lời là không có việc giáo viên, BGH nhà trường ép học sinh phải chuyển trường, việc chuyển trường dựa trên đặc điểm, nguyện vọng của gia đình học sinh di chuyển nơi cư trú và phải chuyển trường”, ông Trung cho biết.
Về vấn đề nhà trường có tổ chức tư vấn, ép buộc học sinh hay không, ông Trung thông tin, lứa học sinh tốt nghiệp lớp 9 ra trường năm học 2021-2022 cũng là lứa học sinh chưa từng có khi 3 năm liên tục lớp 7, 8, 9 phải học online và áp lực thi vào THPT với phụ huynh học sinh và học sinh trong nội thành cũng như quận Cầu Giấy là rất lớn.
Sau một thời gian dài học trực tuyến, học sinh gặp phải nhiều khó khăn về kiến thức, về phương pháp học tập, đặc biệt là vấn đề tâm sinh lý.
Vì thế, trong quá trình học sinh học trực tuyến, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cũng đã tổ chức 2 chuyên đề về tư vấn tâm lý cho học sinh khi học trực tuyến và ngay sau khi học sinh quay trở lại trường học, phòng GD&ĐT đặc biệt quan tâm chỉ đạo các nhà trường làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh khi chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp; rà soát, điều chỉnh lỗ hổng kiến thức của học sinh sau thời gian học trực tuyến, đặc biệt là học sinh lớp 9.
Lãnh đạo nhà trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy cũng như trường THCS Dịch Vọng có tổ chức các lớp tư vấn tâm lý ngay sau khi học sinh đi học trực tiếp trở lại.
Cùng ngày, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã ban hành văn bản yêu cầu tất cả các nhà trường rà soát, kiểm tra và báo cáo về phòng GD&ĐT. Ông Trung nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ kiểm tra và gọi điện trực tiếp đến 100% số học sinh có vấn đề do các nhà trường báo cáo hoặc phụ huynh học sinh, các phương tiện truyền thông phản ánh”.
“Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy sẵn sàng tiếp nhận tất cả các thông tin phản ánh về vấn đề này. Nếu chúng tôi phát hiện nhà trường, giáo viên có những biểu hiện ép học sinh hoặc tư vấn học sinh không tham gia thi vào lớp 10, không đúng với nguyện vọng của học sinh thì phòng GD&ĐT tiếp tục rà soát, kiểm tra và có biện pháp xử lý đúng quy định”, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy cho biết thêm.
Ông Đoàn Tiến Trung cho biết, tiêu chí đánh giá thi đua các trường nói chung, và THCS nói riêng, không chỉ trên địa bàn quận Cầu Giấy đều dựa trên đánh giá toàn diện tất cả các hoạt động giáo dục. Việc đánh giá xếp thi đua các năm học đều hoàn thành trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, vì thể tỉ lệ học sinh vào lớp 10 không phải là tiêu chí để xếp thi đua của các nhà trường. Ngoài ra, việc đánh giá thi đua các nhà trường theo Luật Thi đua mới không chỉ ngành giáo dục đánh giá, mà tất cả các ngành (Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Liên đoàn lao động…) đều tham gia cùng đánh giá, chấm điểm thi đua và trên cơ sở đó xếp hạng thi đua đầy đủ, toàn diện về các hoạt động của các trường THCS. “Chúng tôi khẳng định không đánh giá thi đua các nhà trường dựa trên tỉ lệ, tiêu chí học sinh đỗ vào lớp 10”, ông Trung cho hay. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại