Thứ ba 26/11/2024 10:32

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Đừng để thông điệp của trẻ em nằm trên giấy”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
  “Đừng để những thông điệp trẻ em gửi gắm nằm trên giấy mà hãy đưa nó đi vào cuộc sống” – Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên thảo luận, đối thoại tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 sáng 17-8.

Bày tỏ vinh dự và sự xúc động khi được về thảo luận, đối thoại với các em tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Các bạn trẻ tham dự Diễn đàn ngoài tinh thần, trách nhiệm còn thể hiện sự thông minh, hiểu biết. Đơn cử như việc làm các bài trình bày về các nhóm vấn đề rất tốt. Thế hệ các bạn hôm nay hiểu biết hơn các thế hệ đi trước rất nhiều. Đó là may mắn của đất nước”.

Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của nhiều bạn trẻ về tham dự Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý các em là cuộc sống còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. “Qua theo dõi sách báo, truyền thông các bạn có thể thấy trẻ em ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải sống trong cảnh đất nước có chiến tranh. Nhiều nơi khác tuy chiến tranh đã kết thúc nhưng hậu quả của chiến tranh thì nhiều gia đình, trong đó có trẻ em vẫn còn phải gánh chịu.

Chúng ta may mắn vì đất nước đã hòa bình, trẻ em được đến trường, được chăm lo, nhưng chúng ta cũng phải ý thức được rằng đất nước mình đi qua chiến tranh còn nghèo. Người lớn phải nỗ lực, thế hệ trẻ càng phải nỗ lực hơn nữa. Đừng chỉ trông chờ người khác giúp mình mà tự mình cũng phải giúp chính mình.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta có thể thấy người Việt Nam trải qua bao cuộc chiến tranh với bao nhiêu kẻ thù nhưng không để mất nước, không để bị đồng hóa. Đó một phần là vì người Việt rất chịu khó”, Phó Thủ tướng nói.

dung de thong diep cua tre em nam tren giay
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chúng ta may mắn vì đất nước đã hòa bình, trẻ em được đến trường, được chăm lo, nhưng chúng ta cũng phải ý thức được rằng đất nước mình đi qua chiến tranh còn nghèo. Người lớn phải nỗ lực, thế hệ trẻ càng phải nỗ lực hơn nữa". Ảnh Mạnh Dũng

Dẫn lại 5 điều Bác Hồ dạy các cháu thiếu niên nhi đồng - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, những lời dạy đó không chỉ đúng với trẻ em mà còn đúng với cả người lớn. “Trong thông điệp các bạn đưa ra, rất mừng là bên cạnh việc khuyến nghị người lớn cần thực hiện tốt vai trò nêu gương, các bạn cũng đã ý thức được việc tự mình phải làm gương”.

“Chúng ta hãy nhớ rằng dù mỗi người một hoàn cảnh, dù bố mẹ mình có thể còn thế này thế khác nhưng tất cả các bậc làm cha, làm mẹ đều hết lòng vì con cái, đều mong muốn con cháu mình có một cuộc sống tốt hơn, một tương lai tốt hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam căn dặn các em thiếu nhi tham dự Diễn đàn. Đồng thời cho biết, cách báo hiếu ông bà, cha mẹ tốt nhất là biết cố gắng chăm ngoan học giỏi, cố gắng làm đúng 5 điều Bác Hồ dạy....

Trân trọng các khuyến nghị, thông điệp được các trẻ em gửi gắm tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bây giờ quan trọng là tổ chức thực hiện các khuyến nghị, thông điệp đó như thế nào. “Các cơ quan, ban ngành cần có những hành động cụ thể. Đừng để thông điệp chỉ ở trên giấy, mà hãy đưa nó vào cuộc sống”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

dung de thong diep cua tre em nam tren giay
Trẻ em trao thông điệp, kiến nghị đến đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành. Ảnh: Mạnh Dũng
dung de thong diep cua tre em nam tren giay
Trẻ em trao thông điệp, kiến nghị đến đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành. Ảnh: Mạnh Dũng

Thông tin thêm đến các em tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các kiến nghị đề xuất của các em, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đến trường của các em”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, “ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Kết quả 5 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về nội dung này đã cho thấy những kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục được nâng lên, giáo dục đại học đã có những bước tiến trong khu vực và thế giới”.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng nhìn nhận công tác giáo dục đào tạo như phản ánh của các em vẫn còn nhiều tồn tại, nặng lý thuyết nhẹ thực hành, nặng dạy chữ, nhẹ dạy người. Thứ trưởng cho biết, tới đây Bộ Giáo dục sẽ có những thay đổi để chất lượng giáo dục tốt hơn. Như sang năm 2020, chương trình lớp 1 sẽ chuyển từ việc trang bị nội dung kiến thức – sang phát triển năng lực phẩm chất người học. Học sinh không học một cách thụ động nữa mà sẽ được phát huy khả năng sáng tạo của mình. Các thầy cô giáo cũng sẽ có sự thay đổi, kết hợp giữa dạy chữ dạy người; chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Nhấn mạnh sự trân trọng các đề xuất, kiến nghị của trẻ em tại Diễn đàn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS HCM Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ông đặc biệt ấn tượng với thông điệp thay đổi bản thân mình, làm gương cho các bạn khác. “Các em đã có ý thức về trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ các bạn yếu thế hơn, thiệt thòi hơn cùng sống tốt, học giỏi và ngoan như các em”. Cũng theo Bí thư Nguyễn Anh Tuấn, “không phải chỉ đến Diễn đàn trẻ em quốc gia, các đề xuất kiến nghị của trẻ em mới được xem xét. Ngược lại, các đề xuất, kiến nghị của các em được gửi đến các cơ quan tổng hợp thường xuyên để đưa vào các chương trình công tác và kế hoạch hành động”.

Thông tin đến các em về kết quả thực hiện các Chỉ tiêu đặt ra trong nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ XI, Bí thư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, chỉ tiêu hỗ trợ cho 1,5 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn yếu thế, đến tháng 6-2019 mới đạt được 1,3 triệu trẻ em. Chỉ tiêu xây dựng ở mỗi xã, phường, thị trấn một điểm vui chơi cho các bạn thiếu nhi thì đến năm 2017 chỉ tiêu này mới chỉ được 85-90%. Phấn đấu từ nay đến đến 2022 sẽ đạt chỉ tiêu.

Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ, Bộ sẽ có các chương trình cụ thể nâng cao kiến thức kỹ năng cho các bậc làm cha làm mẹ. “Có rất nhiều thông điệp, các em đưa ra như “người lớn sống sao, trẻ em sống vậy” - đây không chỉ là thông điệp cho trẻ em mà còn là thông điệp đối với người lớn, đặt ra trách nhiệm đối với mỗi gia đình. Bởi lẽ, gia đình luôn là trường học đầu tiên của mỗi con người. Ở đó trẻ em được ông bà, cha mẹ, anh, chị dạy cho những kỹ năng đầu tiên, những giá trị truyền thống tốt đẹp. Gia đình cũng luôn là mái ấm yêu thương chia sẻ cho các em trưởng thành”...

Trước đó, trong hai ngày 15, ngày 16-8, 169 trẻ em tham dự Diễn đàn đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các nhóm vấn đề thiết thực liên quan đến trẻ em như: Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; an toàn trên môi trường mạng; giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống của trẻ em; chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và sự phát triển toàn diện cho trẻ em...

dung de thong diep cua tre em nam tren giay
Tại Diễn đàn, nhiều vấn đề đã được trẻ em lên tiếng. Đó là nhiều trường hợp trẻ em vẫn bị xâm hại tình dục bởi bạn bè, người quen, người thân, người cùng giới, thầy cô hoặc bởi chính trẻ em; Hàng năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước; Các môn học còn nặng về lý thuyết, ít thực hành… Ảnh: Mạnh Dũng

Trong phiên thảo luận, đối thoại, các em đã chủ động nêu lên những thực trạng, tồn tại của vấn đề; nêu ý kiến, nguyện vọng và đề xuất sáng kiến, giải pháp đối với những vấn đề trên với tinh thần “Trẻ em lên tiếng - Trẻ em khởi xướng - Trẻ em cùng hành động”. Theo đó, nhiều vấn đề đã được trẻ em lên tiếng. Đó là nhiều trường hợp trẻ em vẫn bị xâm hại tình dục bởi bạn bè, người quen, người thân, người cùng giới, thầy cô hoặc bởi chính trẻ em; Hàng năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước; Các môn học còn nặng về lý thuyết, ít thực hành…

Nhiều thông điệp, khuyến nghị cũng được các em đưa ra như: “Hãy cùng yêu thương, tôn trọng, bảo vệ và chăm sóc trẻ em vì một tương lai tốt đẹp của đất nước”; “Đừng áp đặt, hãy để trẻ là chính mình”; “Trò chuyện với con trẻ nhiều hơn để hiểu trẻ”, “Internet là bạn tốt đừng biến nó thành bạn xấu”, “Sử dụng mạng xã hội có văn hóa”…

Theo bà Lesley Miller - Phó trưởng đại diện UNICEF: “Các em là đại diện cho người kiến tạo Việt Nam hôm nay và mai sau. Tiếng nói và hành động của các em rất quan trọng và sẽ được lắng nghe, được tiếp thu. Trong phiên đối thoại này các em có cơ hội giao lưu trao đổi gặp gỡ với những nhà lãnh đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Chính phủ Việt Nam đang xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống các em, nhiều em sẽ trưởng thành trong thời gian tới. Do vậy những tiếp xúc trao đổi của các em sẽ được xem xét để đưa ra chiến lược ngân sách trung, dài hạn cho Việt Nam”.
Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 diễn ra vào thời điểm quan trọng khi các quốc gia trên thế giới kỷ niệm 30 năm ra đời Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (1989 -2019). Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước. Kết quả của Diễn đàn sẽ đóng góp vào việc thực hiện công ước tại Việt Nam và trên thế giới.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam: Tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 năm 2017, nhiều khuyến nghị của trẻ em liên quan đến 4 nhóm vấn đề: 1/ Phòng, chống bạo lực trẻ em, 2/ Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn, 3/ Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, 4/ Phòng ngừa bạo lực xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đã được gửi đến các cơ quan chức năng.
Với từng nhóm vấn đề, trên cơ sở khuyến nghị của trẻ em, các cơ quan chức năng đã cụ thể hóa thành các kế hoạch, các chương trình công tác, các đề án cụ thể.
Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động