Thứ sáu 22/11/2024 03:44

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chính phủ quyết ngăn chặn tình trạng "vàng hóa", "đô la hóa" kinh tế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, mục tiêu được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh là bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, ngăn chặn tình trạng "vàng hóa", "đô la hóa" kinh tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chính phủ quyết ngăn chặn tình trạng
Phiên họp sáng 6/6. Ảnh: Quốc hội

Chấn chỉnh tình trạng mất an toàn cháy nổ, phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em

Sáng 6/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tiếp tục Chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề thuộc các nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Về giải quyết những vấn đề nổi lên hiện nay mà trong các kỳ họp đại biểu Quốc hội và cử tri hết sức quan tâm, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ để chấn chỉnh tình trạng mất an toàn về cháy nổ. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với việc đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn…

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè này. Tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng học sinh. Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho trẻ em. Chú trọng công tác hợp tác giữa nhà trường, gia đình, xã hội để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ hè.

Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn thực phẩm không an toàn, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về nguy cơ và cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm du lịch, thức ăn đường phố, nhà ăn, tập thể của các trường học, khu công nghiệp, bệnh viện…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chính phủ quyết ngăn chặn tình trạng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: Quốc hội

Thành lập các quỹ về phát triển nhà xã hội

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo Nghị quyết 42 của Trung ương. Triển khai có hiệu quả chính sách với người có công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách giảm nghèo.

Trong đó, quan tâm mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế toàn dân và dịch vụ y tế. Phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau.

Xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà ở với người có công, đồng bào các dân tộc thiểu số, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp và công nhân, học sinh. Gắn chi tiêu về phát triển nhà ở xã hội và chi tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương, ban hành Nghị định về nhà ở xã hội trong tháng 6/2024 theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện, cơ chế, ưu đãi đầu tư, tiêu chí tiếp cận nhà ở xã hội, nghiên cứu thành lập các quỹ về phát triển nhà xã hội với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội.

Ngăn chặn tình trạng "vàng hóa", "đô la hóa" kinh tế

Trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường vàng, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt các chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương quyết liệt thực hiện các giải pháp quản lý để bình ổn thị trường vàng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra kịp thời xử lý nghiêm vi phạm; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu dân cư với cơ quan thuế thông qua Đề án 66 về dữ liệu dân cư.

Từ ngày 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC đã góp phần giảm chênh lệch giá vàng thế giới và Việt Nam và đang từng bước tiếp cận với giá vàng theo thị trường thế giới.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước, các công cụ của thị trường, công cụ kinh tế có hiệu lực, kịp thời, hiệu quả, đồng thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý có liên quan, đặc biệt là Nghị định 24 phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phù hợp, ổn định, lành mạnh, minh bạch, công khai, hiệu quả, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội và ngăn chặn tình trạng "vàng hóa", "đô la hóa" kinh tế.

Từng bước tạo thị trường điện bán lẻ cạnh tranh

Về mở rộng thị trường, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dung, Chính phủ đã rà soát các quy định pháp luật liên quan để sửa đổi đồng bộ theo hướng bổ sung tiêu chí, chế tài quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử mà tại hội trường này nhiều đại biểu đã nêu những vấn đề hết sức bức xúc.

Chú trọng đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân, kết nối dữ liệu giao dịch giữa các cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và đặc biệt là phải xác định kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư để định danh được các chợ, định danh được các trang thương mại điện tử.

Nghiên cứu phương án để thành lập một tổ chức giám sát và xây dựng hệ thống giám sát giao dịch thương mại điện tử liên ngành và trực tuyến. Khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển các nền tảng thương mại trực tuyến của Việt Nam với tích hợp các gói dịch vụ có liên quan để đảm bảo cải cách các thủ tục hành chính.

Triển khai hiệu quả quy hoạch, kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII, sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện, đặc biệt như mua bán điện trực tiếp, từng bước tạo thị trường điện bán lẻ cạnh tranh, chính sách thu hút người dân tham gia đóng góp xây dựng điện áp mái.

Bảo đảm an ninh năng lượng, không để thiếu điện, thiếu xăng trong mọi tình huống và phải đảm bảo dự trữ quốc gia đối với các mặt hàng thiết yếu này. Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi, như năng lượng tái tạo, công nghiệp đường sắt cao tốc, khai thác, chế biến một số loại khoáng sản chiến lược.

Nghiên cứu, phát triển ứng dụng vật liệu mới, công nghiệp chip bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số dự án FDI với công nghệ cao và cam kết sẽ đầu tư nghiên cứu và triển khai ở đất nước chúng ta.

Đảm bảo nội địa hóa, phát triển chuỗi giá trị trong nước, tiếp tục thúc đẩy khuyến khích các doanh nghiệp FDI mở rộng hệ thống nhà cung cấp nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng và để phát triển công nghiệp phụ trợ...

Để trẻ em vùng cao nhảy múa xin tiền du khách là hành vi trái quy định pháp luật Để trẻ em vùng cao nhảy múa xin tiền du khách là hành vi trái quy định pháp luật
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời về giải pháp hạ giá vé máy bay Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời về giải pháp hạ giá vé máy bay
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động