Phẫu thuật nội soi thành công cho bệnh nhi 14 tuổi bị vết thương thấu ngực gây rách phổi trái
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVết thương sau lưng bệnh nhân và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy vết thương gây rách phổi. Ảnh: BVCC |
Bệnh nhi là B.Q.M, 14 tuổi, được người nhà đưa vào khoa khám bệnh trong tình trạng khó thở do vết thương sau lưng. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết trẻ bị vật sắc nhọn đâm vào trong quá trình xô xát khi tham gia hoạt động thể thao.
Nhận định vết thương sâu, nguy cơ thủng màng phổi, các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển bệnh nhi vào đơn vị Hồi sức cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện các biện pháp sơ cứu, hồi sức tích cực cho bệnh nhi, đồng thời chỉ định chụp cắt lớp vi tính lồng ngực để xác định mức độ tổn thương.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy vết thương rách nhu mô phổi trái gây chảy máu màng phổi. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhi có thể bị suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do vậy, bệnh nhi đã được chuyển thẳng lên phòng mổ, bỏ qua những thủ tục hành chính khác.
Tại phòng mổ, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện vết thương rách nhu mô thuỳ X phổi trái gây chảy máu nhiều khoang màng phổi. Các bác sĩ đã tiến hành khâu vết rách, lấy hết máu tụ và đặt dẫn lưu khoang màng phổi, hút áp lực âm liên tục.
Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhi đã ổn định, tự thở, được rút ống dẫn lưu và dự kiến sẽ được xuất viện trong thời gian sớm.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, phụ trách phẫu thuật Lồng ngực, mạch máu của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, chấn thương ngực là một chấn thương vô cùng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Phẫu thuật nội soi điều trị chấn thương ngực là một kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Tuy nhiên, phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm như vết mổ nhỏ, thời gian nằm viện ngắn, hạn chế sẹo xấu, hạn chế hạn chế cơ hô hấp,…
Bác sĩ khuyến cáo, khi có vết thương ngực, người bệnh cần nhanh chóng dùng gạc băng ép để tránh khí vào khoang lồng ngực. Trong trường hợp còn dị vật cắm trên thành ngực thì tuyệt đối không được rút ra dễ gây tổn thương nặng thêm cho bệnh nhân. Người bệnh cần được chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Cứu sống nam thanh niên bị vết thương thấu ngực bụng do đạn bắn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại