Thứ hai 20/05/2024 14:12

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là xu thế tất yếu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong bối cảnh diện tích đất canh tác giảm dần và điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng biến đổi phức tạp thì việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là xu thế tất yếu...

Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và giá trị sản xuất nông nghiệp. Hà Nội là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp CNC bởi đây là nơi tập trung đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các cơ sở nghiên cứu hàng đầu của cả nước. Ngoài ra, số lượng các doanh nghiệp, nhất là những “ông lớn” có tiềm lực đầu tư, số lượng ngân hàng và các tổ chức quốc tế cũng tập trung khá đông. Do đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một trong những vấn đề được thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo suốt thời gian qua.

Năm 2017 được Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” lựa chọn là năm chuyên đề mở rộng quy mô phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng CNC. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, các địa phương cần khắc phục hạn chế trong phát triển nông nghiệp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Các sở, ban, ngành sớm hướng dẫn cụ thể hóa các chính sách, có chính sách ưu đãi đặc thù, nhất là trong việc tích tụ đất đai để thu hút doanh nghiệp, hộ dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành xây dựng một điểm ứng dụng của thành phố. Các địa phương chủ động tìm hiểu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng mô hình phù hợp theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để tạo điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp, thuyết phục doanh nghiệp, người dân tham gia.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là xu thế tất yếu
Ảnh minh họa

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc ứng dụng CNC vào phát triển nông nghiệp, những năm qua, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu tập trung giải quyết bức thiết của thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã được triển khai. Có thể kể đến mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất các giống lúa năng suất chất lượng, có khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh; các loại cây đặc sản như nhãn chín muộn, bưởi tôm vàng, chuối tiêu hồng... Các mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, áp dụng cơ giới hóa; các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường chăn nuôi…

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn TP đã xây dựng được 123 mô hình nông nghiệp CNC. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt chiếm khoảng 18%, chăn nuôi là 34%. Trong lĩnh vực trồng trọt, cả 4 loại cây chủ lực là rau, hoa, cây ăn quả và cây chè đều đẩy mạnh ứng dụng CNC. Tại các vùng trồng rau đã có 119 ha nhà lưới, 15 ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm và 05 nhà sơ chế rau. Trong đó dẫn đầu là huyện Mê Linh với 18 mô hình; tiếp đến là huyện Gia Lâm 17 mô hình, huyện Thường Tín 14 mô hình… 20 nhãn hiệu tập thể được xây dựng cũng đang phát triển rất hiệu quả như Khoai lang Đồng Thái (huyện Ba Vì), Bưởi tôm vàng (huyện Đan Phượng), hay Nhãn chín muộn (huyện Hoài Đức)… Tỷ trọng ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp của toàn TP đã đạt trên 30%. Các mô hình nông nghiệp CNC của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 - 12%. Nhờ đó, giá trị kinh tế gia tăng từ 25 - 30%.

Với thế mạnh là thị trường trung và cao cấp, cùng nguồn lực khoa học và công nghệ tốt, Hà Nội có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển trở thành trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ hàng đầu vào sản xuất nông nghiệp. Để làm được điều này, theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh, vai trò của các DN là vô cùng quan trọng. Theo đó, TP cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, nhất là vào nông nghiệp CNC. Đồng thời đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển nông nghiệp CNC.

Để tạo đột phá cho nông nghiệp CNC, cùng với Nhà nước và DN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, rất cần sự tham gia của nhà nông, nhà khoa học, nhà truyền thông. Sở dĩ có sự tham gia của truyền thông là bởi sản phẩm làm ra nhưng người dân không biết đến, khó tiếp cận và không được thụ hưởng thì hiệu quả sản xuất cũng không đạt yêu cầu.

(Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)

Đỗ Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động