Thứ sáu 03/05/2024 14:26

Phát hiện vi rút cúm gia cầm H5N1 trong sữa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo vào ngày 19/4 rằng vi rút cúm gia cầm H5N1 đã được phát hiện trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật nhiễm bệnh, tuy nhiên vẫn chưa rõ vi rút này có thể tồn tại trong sữa trong bao lâu.
Phát hiện vi rút cúm gia cầm H5N1 trong sữa
Vi rút cúm gia cầm H5N1 đã được phát hiện trong sữa tươi nguyên liệu. (Ảnh: Reuters)

Trong một tuyên bố trước báo giới, bà Trương Văn Thanh, người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của WHO, đã nhắc lại về trường hợp một người ở bang Texas (Mỹ) đã mắc cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với đàn bò sữa.

Đây là ca cúm A/H5N1 thứ hai được phát hiện trên người tại Mỹ và cũng là ca đầu tiên mắc bệnh do tiếp xúc với động vật có vú nhiễm vi rút. Bà Trương Văn Thanh nêu rõ rằng mối lo ngại hiện nay là vi rút dường như đang tìm kiếm những vật chủ mới và sự lây lan của vi rút sang nhóm động vật có vú có nghĩa là chúng đang gần hơn với con người.

“Trường hợp bệnh nhân ở Texas là trường hợp đầu tiên mà con người bị lây cúm gia cầm từ một con bò. Việc lây truyền từ gia cầm sang bò, từ bò sang bò và từ bò sang gia cầm cũng đã được ghi nhận trong những đợt bùng phát hiện nay, điều này cho thấy rằng vi rút có thể đã tìm thấy những con đường lây truyền khác mà chúng ta đã biết trước đây. Hiện tại, chúng tôi ghi nhận nhiều đàn bò bị ảnh hưởng ở các bang của Mỹ, điều này cho thấy một bước tiến xa hơn về sự lây lan của vi rút sang động vật có vú. Vi rút này cũng đã được phát hiện trong sữa của động vật bị mắc bệnh”, bà Trương Văn Thanh nhận định.

Theo bà Thanh, các chuyên gia đã phát hiện “nồng độ vi rút rất cao trong sữa nguyên liệu” và đang tiến hành điều tra chính xác về thời gian mà vi rút có thể tồn tại trong sữa.

Tuy nhiên, cơ quan y tế bang Texas khẳng định rằng tình hình cúm A/H5N1 ở gia súc hiện không gây rủi ro cho nguồn cung cấp sữa thương mại, do các nhà sản xuất sữa đã được yêu cầu tiêu hủy sữa từ những con bò bị bệnh. Ngoài ra, quá trình thanh trùng cũng giúp tiêu diệt vi rút.

Bà Thanh khuyến cáo rằng: “Điều quan trọng là mọi người phải đảm bảo thực hiện an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc chỉ tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa đã được tiệt trùng”.

Cúm gia cầm A/H5N1 lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1996 và kể từ năm 2020, số đợt bùng phát ở chim đã tăng theo cấp số nhân, trong khi số lượng động vật có vú bị ảnh hưởng cũng ngày càng gia tăng.

Cúm gia cầm đã gây ra cái chết của hàng chục triệu gia cầm và chim hoang dã, trong khi các động vật có vú sống trên cạn và dưới nước cũng bị mắc bệnh. Bò và dê đã được thêm vào danh sách này vào tháng trước. Giới chuyên gia đánh giá đây là một diễn biến đáng ngạc nhiên, khi hai loài vật trên không nhạy cảm với loại cúm này.

Từ năm 2003 đến đầu tháng 4 vừa qua, WHO đã ghi nhận 463 trường hợp tử vong trong tổng số 889 trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở người tại 23 quốc gia, đưa tỷ lệ tử vong do căn bệnh này lên 52%.

Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy A/H5N1 lây lan từ người sang người. Theo WHO, sẽ có gần 20 loại vaccine ngừa cúm A/H5N1 được cấp phép sử dụng nếu xảy ra đại dịch và những loại vaccine này có thể được điều chỉnh phù hợp với chủng vi rút cụ thể đang lưu hành.

Gia tăng tỷ lệ mắc ung thư ở người dưới 50 tuổi Gia tăng tỷ lệ mắc ung thư ở người dưới 50 tuổi

Gia tăng về mức độ mắc ung thư ở những người dưới 50 tuổi là một xu hướng đáng chú ý trong suốt 30 năm ...

Liên Hợp quốc kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp trước tình hình cấp bách tại Dải Gaza Liên Hợp quốc kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp trước tình hình cấp bách tại Dải Gaza

Tình hình tại Dải Gaza đang trở nên vô cùng cấp bách khi mà người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột ...

Tuấn Khang
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động