Thứ năm 28/03/2024 15:43

Phấn đấu năm 2022 gỡ "thẻ vàng" với thuỷ sản

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức buổi họp báo thường kỳ quý III - 2021 nhằm thông tin những kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Nông nghiệp trong 9 tháng vừa qua và những nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong các tháng cuối năm.

Giữ được nhịp tăng trưởng trong 9 tháng

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Việt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 9 tháng năm 2021, bên cạnh những thuận lợi, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Đó là dịch bệnh diễn biến phức tạp cả trong nước và thế giới đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta; cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc… gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, 9 tháng qua, ngành nông lâm thủy sản vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, cụ thể:

Cả nước gieo cấy được 7,13 triệu ha lúa; đến nay đã thu hoạch đạt khoảng 5,3 triệu ha, sản lượng khoảng 33,5 triệu tấn thóc. Tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm ước đạt 3.642,4 nghìn ha, tăng 1,3% so cùng kỳ. Đối với chăn nuôi, thịt bò đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; thịt lợn hơi ước đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5,0%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 1.402,7 nghìn tấn, tăng 4,3%; sản lượng sữa bò tươi ước đạt 856,6 nghìn tấn, tăng 11,0%; trứng ước đạt 12,8 tỷ quả, tăng 4,3%.

Phấn đấu năm 2022 gỡ
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại buổi họp báo

Các lĩnh vực, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm nông sản chính vẫn tăng trưởng tích cực về giá trị xuất khẩu (tăng 14,4% so với cùng kỳ 2020). Tương tự, lâm sản tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%...

Ở góc độ thị trường, 9 tháng qua, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, đạt trên 10,2 tỷ USD (chiếm 28,6% thị phần); tiếp đó là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cả năm nay là 2,8%. Trong quý IV - 2021, tăng trưởng chủ yếu phải dựa vào lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, trong khi đó 2 ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn. “Chăn nuôi giá bán ra thấp, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi, giá thức ăn thủy sản tăng. Tất cả những vấn đề này đặt ra bài toán rất lớn”, ông Việt cho biết.

Riêng về xuất khẩu, lãnh đạo Vụ Kế hoạch khẳng định: “Xuất khẩu cả năm tự tin đạt 44 tỷ USD. Năm 2020, 3 tháng cuối năm xuất khẩu đạt 12 tỷ USD. Nếu tính năm nay xuất khẩu giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước thì 3 tháng cuối năm tổng trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về cũng đạt khoảng 10 tỷ USD”.

Gỡ “thẻ vàng” và những thách thức ở các tháng cuối năm

Đối với vấn đề IUU, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, việc Ủy ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam từ năm 2017. Đến nay, sau gần 4 năm nỗ lực bằng nhiều giải pháp, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định, song mục tiêu lớn nhất là gỡ "thẻ vàng" chưa đạt được.

Việc chậm trễ gỡ “thẻ vàng” hiện nay, ông Hùng thông tin, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phía EC dự kiến sẽ không sang được Việt Nam. Dự kiến vào ngày 27 - 10, EC sẽ có cuộc họp với Tổng cục Thủy sản để trao đổi đến vấn đề này. Đặc biệt, hiện nay, lãnh đạo các địa phương đã hứa cam kết chấm dứt việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trước ngày 31 - 12 - 2021, đây cũng là tiêu chí quan trọng để phía EC gỡ thẻ vàng.

Tổng cục Thủy sản cũng đã có báo cáo gửi EC trao đổi về những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam về việc gỡ "thẻ vàng" trong năm 2021, cũng như cả quá trình suốt 4 năm gỡ "thẻ vàng" của chúng ta. “Hiện nay, các tỉnh, thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt từ cấp xã. Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu năm 2022 phải gỡ được "thẻ vàng". Với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương, tôi tin "thẻ vàng" sẽ được gỡ bỏ trong giai đoạn 2022-2023", ông Hùng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các tháng cuối năm 2021, ngành Nông nghiệp còn rất nhiều những khó khăn thách thức cần phải tháo gỡ để đạt được các mục tiêu đề ra. Thứ trưởng cho rằng, việc sản phẩm nông nghiệp tồn đọng ở ao, nhà máy, ruộng vườn nếu không tiêu thụ được thì sẽ rất khó khăn.

Vấn đề nguyên liệu đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón còn ở mức cao, vấn đề tiêm vắc xin, hiện nay trong các nhà máy tiêu thụ chế biến nông sản vẫn còn ở thấp, từ mức 10-15%, trong khi đó, đứng sau các DN này là hàng chục triệu hộ nông dân sẽ chịu ảnh hưởng nên hiện các chuỗi sản xuất đang gặp khó.

Hơn nữa, vấn đề lưu thông, đến thời điểm hiện nay, có nhiều địa phương vẫn ban hành các văn bản mang tính chất đặc thù. Đồng thời, các DN nông nghiệp sản xuất 3 tại chỗ gặp nhiều khó khăn, công suất sản xuất thấp.

Theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp quý III - 2021 tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) tăng 2,83%, lâm nghiệp tăng 2,15%, thủy sản giảm 4,89%.

Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng VA của ngành đạt 2,74% (nông nghiệp tăng 3,32%, lâm nghiệp tăng 3,30%, thủy sản tăng 0,66%) và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế (GDP cả nước tăng 1,42%).

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động