Phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện nguồn cung xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội vẫn đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu cho người dân Thủ đô |
Có “trục trặc” trong quản lý, điều tiết thị trường?
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ ngày 28-1-2022 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tại một số địa phương có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân. Đơn cử, ngày 8-2, hàng loạt cây xăng ở các tỉnh Đồng Nai, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đắk Lắk treo biển hết hàng nghỉ bán. Theo nhiều đại lý và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, việc tạm ngưng bán hàng xuất phát từ việc nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị thua lỗ. Tuy nhiên, đến nay, chỉ một số đơn vị báo cáo nguồn cung căng thẳng khiến DN phải đóng cửa. Chưa có một phát hiện hay báo cáo nào liên quan đến tình trạng cửa hàng, đại lý, thương nhân kinh doanh xăng dầu găm hàng chờ tăng giá.
Trước thực trạng trên, bài toán về việc điều tiết thị trường xăng dầu một lần nữa được các chuyên gia nhắc tới. Nhận định về thị trường xăng dầu những ngày qua, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cho biết, qua kết quả kiểm tra được ngành quản lý thị trường công bố, rất ít cây xăng có tình trạng găm hàng. Cũng theo thông tin từ Bộ Công thương, mặt hàng xăng dầu vẫn đủ nguồn cung. Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, để xảy ra tình trạng như những ngày vừa qua chắc chắn có “trục trặc” trong công tác quản lý, điều tiết thị trường.
Theo ông Vũ Vinh Phú, vấn đề cần làm rõ và công khai, minh bạch, có hàng phải bán, hết hàng cần công bố, nêu lý do. Ở tất cả các địa phương đều có lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế nên việc kiểm soát các vấn đề này không có gì khó. Cũng theo ý kiến của ông Vũ Vinh Phú, vấn đề về lâu dài cần nhìn vào là không thể duy trì 40% thuế phí như hiện tại. Nếu cứ như vậy thì giá xăng dầu cao là không thể thay đổi, ngoài ra, với việc lượng dự trữ chỉ khoảng 30 ngày, khi thị trường thế giới biến động, chúng ta không kiểm soát nổi. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện tại, công tác điều hành, quản lý còn phải đề phòng tình trạng tuồn xăng giả, hàng kém chất lượng vào hệ thống phân phối.
Mới đây, tại cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ Công thương, các địa phương, DN để bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, bình ổn thị trường trong nước. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh, trong mọi tình huống không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu. Theo ông Nguyễn Hồng Diên, vừa qua, trên phạm vi cả nước đều đã xuất hiện những hiện tượng khá giống nhau, đóng cửa hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an. Ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng những hiện tượng này nếu không chỉ đạo quyết liệt để xử lý, loại bỏ thì sẽ trở nên phổ biến. “Phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho người dân Thủ đô
Ghi nhận của PV tại các cây xăng trên địa bàn Hà Nội trong các ngày từ mùng 10 đến hết ngày 12-2 cho thấy, lượng khách hàng có nhu cầu mua xăng dầu tại các cửa hàng, cây xăng trên địa bàn TP không quá đông. Tại các cột bơm xăng, các đơn vị đều bổ chí đủ nhân viên bán hàng, đáp ứng nhanh và đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Lý giải về một số nguyên nhân dẫn đến nhu cầu sử dụng xăng dầu của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đại diện một số DN cho rằng, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, năm nay người dân ít đi du lịch nên số lượng người ở lại Thủ đô rất lớn, mật độ đi lại đồng trong những ngày đầu năm mới, khiến nhu cầu tiêu dùng xăng dầu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, do đảm bảo nguồn cung, nguồn dự trữ xăng dầu từ trước nên không có tình trạng khan hiếm mặt hàng này.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: “TP Hà Nội luôn yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu dự trữ tối thiểu cao hơn 10% so với nhu cầu của người dân”. Theo bà Trần Thị Phương Lan, trước nhận định của Bộ Công thương khả năng có sự biến động về nguồn cung. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương cũng như UBND TP Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội đã có những văn bản triển khai rất kịp thời đến các DN đầu mối, các thương nhân phân phối cũng như các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Mặt khác, Sở Công thương cũng đã tăng cường chỉ đạo đối với các cửa hàng xăng dầu phải chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu. Đồng thời đề nghị Cục QLTT Hà Nội cũng như giao Thanh tra Sở Công thương tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các cửa hàng xăng dầu nếu có những vi phạm, đặc biệt là tình trạng đầu cơ, găm hàng hoặc bán không đúng giá, đóng mở cửa không đúng thời gian quy định đã đăng ký với Sở Công Thương...
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: “Bộ Công thương sẽ thành lập Đoàn thanh tra cơ động, tiến hành thanh, kiểm tra các DN đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước. Đối với các cơ sở kinh doanh, kiên quyết định chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết rút giấy phép nếu có từ 6 tháng trở lên kể từ thời điểm kiểm tra trong tháng 2-2022 trở đi mà không nhập khẩu xăng dầu để cung ứng cho thị trường”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại