Thứ ba 21/05/2024 01:29
Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới

​​​​​​​Phải có giải pháp kiểm soát các quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

Đây là thông tin đáng chú ý tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9-2021.

Cụ thể, Nghị định 70/2021/NĐ-CP đã định nghĩa rõ hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là “việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam”.

​​​​​​​Phải có giải pháp kiểm soát các quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam
Ảnh minh họa (ảnh internet)

Cũng theo Nghị định, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 13 Luật Quảng cáo.

Đồng thời, phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông (thông tin về tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có); Đầu mối liên hệ: tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ.

Những thông tin này phải được gửi trực tiếp, hoặc qua đường bưu chính, hoặc qua phương tiện điện tử đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam.

Cùng với đó, không được đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, có nghĩa vụ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có thẩm quyền, và cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi có yêu cầu.

Tương tự, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo cũng có quyền và nghĩa vụ yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật và có giải pháp kỹ thuật để có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

Đồng thời, không được hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được thông báo vi phạm pháp luật công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiện, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động quảng cáo trực tuyến đang chiếm một tỉ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam. Trong đó, 2 nền tảng chủ yếu được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là quảng cáo trên nền tảng của hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới Google, Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.

H.L
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động