Nuôi, nhốt hổ trái phép sẽ bị truy cứu hình sự
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện 2 cá thể hổ bị nuôi nhốt trái phép. Ảnh: TTXVN |
Mới đây, VKSND tỉnh Hải Dương đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Đồng Xuân Công, SN 1980, ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, theo Điều 244, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Trước đó, ngày 4/5, Phòng Cảnh sát kinh tế, CA tỉnh Hải Dương phối hợp Chi cục Kiểm lâm Hải Dương kiểm tra, phát hiện Đồng Xuân Công có hành vi nuôi, nhốt trái phép 2 cá thể hổ tại khu vực ao cá bãi ngoài đê Đầm Châm, thuộc xã Đại Đức. Mỗi cá thể hổ nặng khoảng 70 kg, tình trạng sức khỏe bình thường, được nuôi nhốt trong cùng một lồng thép. Bước đầu, Công khai nhận đã mua 2 cá thể hổ trên qua mạng xã hội.
Theo kết luận giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2 cá thể có tên khoa học Panthera Tigris, nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Hải Dương đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành bàn giao 2 cá thể hổ cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hà Nội nuôi dưỡng, quản lý theo quy định.
Hiên vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hổ là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm và được ưu tiên bảo vệ xếp số thứ tự 29 trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Cá nhân muốn nuôi nhốt hổ phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Ngoài ra Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc phụ lục I công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp… thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, theo Điều 244, BLHS năm 2015.
Căn cứ vào danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; ban hành kèm theo Nghị định 06/2019 (quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) thì hổ thuộc nhóm IB (lớp thú, bộ thú ăn thịt).
Vì vậy, việc VKSND tỉnh Hải Dương phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Đồng Xuân Công về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo Điều 244, BLHS năm 2015 là có cơ sở.
Theo đó, hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép hổ là phạm pháp. Tùy thuộc vào số lượng cá thể hổ nuôi nhốt bất hợp pháp mà người phạm tội sẽ bị xử lý theo các khoản tương ứng của điều luật. “Số lượng hổ bị nuôi nhốt trái phép là 2 cá thể hổ sẽ rơi vào khoản 1 Điều 244, BLHS năm 2015 với mức phạt từ 1 đến 5 năm tù. Nếu kết quả xác minh cho thấy có hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại thì pháp nhân phạm tội có thể bị phạt từ 10-15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm” - luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định.
Luật sư Đinh Thị Nguyên cũng lưu ý thêm, có một tội cũng giống Điều 244, BLHS năm 2015 là tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. Điểm khác dễ phân biệt của Điều 234, BLHS đó là điều luật này quy định đối với động vật thuộc nhóm IIB (thuộc chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), còn Điều 244, BLHS quy định đối với động vật thuộc nhóm IB (thuộc chương các tội phạm về môi trường). Tội danh theo Điều 244, BLHS có khung hình phạt nặng hơn (tối đa là 15 năm tù) so với Điều 234, BLHS (tối đa là 12 năm tù).
Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết thêm, nhằm bảo vệ động vật rừng, quản lý các hoạt động liên quan đến động vật rừng, đặc biệt là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, Chính phủ đã quy định cụ thể mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái quy định của pháp luật tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019. Theo Điều 21 của nghị định này gồm 14 mức phạt được quy định từ mức thấp nhất là 5.000.000 đồng đến mức 14 là 400.000.000 đồng.
Cá nhân, tổ chức nuôi nhốt động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm trái phép, giống như vụ việc trên, vượt quá mức phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 35/2019/ NĐ – CP ngày 24/04/2019 thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” được quy định tại Điều 244, BLHS năm 2015.
Làm giả con dấu tài liệu có thể đối diện mức án 7 năm tù | |
Tình huống pháp lý vụ sập tường khiến 3 trẻ tử vong | |
Khung hình phạt nào dành cho các đối tượng? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại