Nữ Tiến sỹ quân đội với những công trình khoa học nghiên cứu về tên lửa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTừ ngày theo học cấp 3 tại trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội), chị Ngô Thị Lan đã có niềm yêu thích đặc biệt với môn Hóa học. Tốt nghiệp cấp 3, chị thi đỗ vào khoa Hóa, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp ra trường, chị quyết định về công tác tại Học viện Kỹ thuật quân sự để nối dài niềm đam mê với bộ môn Hóa học và các công trình nghiên cứu của mình.
Lý giải về việc nuôi dưỡng đam mê dài lâu với môn Hóa, chị Lan chân tình chia sẻ: “Tôi vốn là cô gái kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ, yêu các môn học tự nhiên, thích mày mò, nghiên cứu. Tôi quan sát cuộc sống xung quanh và thấy có nhiều vấn đề thú vị liên quan đến môn Hóa và có thể giải thích bằng Hóa. Hơn nữa, trong suốt quá trình học tập, tôi luôn may mắn khi được tiếp xúc và làm việc với những người thầy, người cô vừa giỏi, vừa nhiệt huyết. Các thầy cô đã truyền lửa cho tôi và dần dần tôi đã coi Hóa học là một phần của cuộc đời mình…”.
Thượng tá, TS Ngô Thị Lan luôn say mê trong công tác. Ảnh: NVCC |
Giờ đây, với vai trò là Phó Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, khoa Hóa - lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc Phòng), Thượng tá, TS Ngô Thị Lan được nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên biết đến với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH). 3 năm gần đây, chị đã tham gia giảng dạy 900 tiết cho học viên, sinh viên. Hàng năm, chị cũng trực tiếp tham gia hướng dẫn nhiều sinh viên nghiên cứu khoa học và làm luận văn tốt nghiệp với các đề tài hoàn thành có chất lượng khoa học cao.
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Thượng tá, TS Ngô Thị Lan đã thực hiện 8 đề tài NCKH (4 đề tài cấp Học viện, 4 đề tài cấp Bộ Quốc phòng) đều thuộc các lĩnh vực Điện hóa và các lĩnh vực đặc thù trong quân sự, đó là: Nghiên cứu chế tạo cụm bản cực cho bộ nguồn tên lửa IGLA; Hoàn thiện công nghệ chế tạo pin nhiệt 9B239VN cho tên lửa phòng không tầm thấp; Nghiên cứu chế thử theo mẫu bộ nguồn 8Ì-ÁÀ cho tên lửa X-29T; Nghiên cứu thiết kế, công nghệ chế tạo pin nhiệt theo mẫu 9B248-1cho tên lửa Kh-35E; Nghiên cứu chế tạo bản cực âm dùng trong bộ nguồn 20A4 của tên lửa phòng không; Nghiên cứu thiết kế chế thử bộ nguồn tên lửa phòng không kiểu 20A4; Nghiên cứu chế tạo cụm bản cực cho bộ nguồn tên lửa IGLA; Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư kỹ thuật môi trường.
Các nghiên cứu này đã được áp dụng trong một số đơn vị của quân chủng hải quân, quân chủng phòng không không quân, giúp nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của các trang bị, khí tài quân sự. Đặc biệt, Thượng tá, TS Lan có 01 đề tài được đăng ký sáng chế, đó là đề tài “Quy trình sản xuất điện cực dương của pin chì dự trữ năng lượng cao”.
Nói về công trình dày công sức này, Thượng tá, TS Ngô Thị Lan kể: Từng trải qua cả chục năm trong phòng thí nghiệm với mảng điện dùng cho một số tên lửa đặc chủng quân sự, ban đầu chị chỉ làm cực âm, cực dương và sau đó mới tiến hành làm cả bộ nguồn- sau khi xin được kinh phí của Bộ Quốc phòng.
Qua thời gian dài căng thẳng nghiên cứu, chị và cả nhóm đã hoàn thành đề tài với kết quả tốt. Trên cơ sở đó, chị đăng ký độc quyền sáng chế "Quy trình sản xuất điện cực dương của pin chì dự trữ năng lượng cao”. Sáng chế này đã đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo nguồn điện đặc chủng cho quân sự; đáp ứng bước đầu yêu cầu về sửa chữa, thay thế các bộ nguồn loại này hiện đã hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng trong trang bị của các quân binh chủng phòng không không quân, pháo binh; mở ra khả năng chủ động tự sản xuất bộ nguồn điện dự trữ đặc chủng hệ Pb|H2SiF6|PbO2 tại Việt Nam; từ đó nâng cao trình độ trong lĩnh vực chế tạo nguồn điện chì dự trữ, dùng 1 lần và góp phần nâng cao năng lực về khoa học kỹ thuật công nghệ của công nghiệp quốc phòng nước ta; góp phần tiết kiệm ngoại tệ trong việc nhập khẩu các loại nguồn đặc chủng cho quân đội. Thành công của đề tài và việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài trong thực tiễn cũng góp phần bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Với những thành tích đạt được trong công tác giảng dạy và nghiên cứu, Thượng tá, TS Ngô Thị Lan đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Bộ Quốc phòng (năm 2014); Bằng khen của Tổng Cục Chính trị (năm 2017); Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (năm 2018); Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (giai đoạn 2010-2015) cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen khác.
Dù chuyên chú vào công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý nhưng Thượng tá, TS Ngô Thị Lan luôn khắc nhớ rằng mình là một phụ nữ, một người mẹ, một hội viên Hội LHPN Việt Nam. Chính bởi vậy, chị tích cực tham gia các phong trào do hội phát động; chủ động đề xuất những ý kiến, phương pháp hoạt động xây dựng tổ chức hội và tăng cường chất lượng hoạt động của hội; hưởng ứng tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi các gia đình chính sách, gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó các tổ chức quần chúng trong Học viện.
Luôn nồng ấm, quan tâm, sẻ chia trong mối quan hệ gia đình; luôn đam mê, hợp tác, đoàn kết, giúp đỡ trong công tác chuyên môn, Thượng tá, TS Ngô Thị Lan thực sự là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp và hàng ngàn sinh viên bộ môn Công nghệ hóa học, khoa Hóa - lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng) noi theo và tỏ bày lòng ngưỡng mộ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại