Thứ sáu 08/11/2024 07:26

Nông thôn mới là nông thôn tạo ra giá trị mới về định hướng cho sự phát triển

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là chia sẻ của nhà báo Hoàng Trọng Thuỷ, nguyên TBT báo Nông thôn ngày nay tại Toạ đàm khoa học “Góc nhìn báo chí, truyền thông về xây dựng nông thôn mới” do Văn phòng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức vào chiều 26-12.    

Tọa đàm nhằm tăng cường hợp tác giữa học viện Báo chí và Tuyên truyền với Văn phòng Bộ VH, TT&DL và các cơ quan báo chí, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên báo chí về vai trò của báo chí, truyền thông với xây dựng nông thông mới ở Việt Nam hiện nay.

Tham dự toạ đàm có nhà báo Hoàng Trọng Thuỷ, nguyên TBT báo Nông thôn ngày nay; nhà báo Nguyên Huân, báo Nông nghiệp Việt Nam; ông Lê Anh Tuấn, đại diện Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; bà Trịnh Thu Hằng, đại diện Văn phòng Bộ VH, TT& DL; PGS.TS Đỗ Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí…

nong thon moi la nong thon tao ra gia tri moi ve dinh huong cho su phat trien
Các diễn giả tại buổi toạ đàm.

PGS.TS Đỗ Thu Hằng cho rằng chủ đề về nông thôn mới với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý rất lớn của báo giới. Buổi toạ đàm hướng tới 4 mục tiêu: bằng trao đổi, chia sẻ kiến thức về nông thôn mới để qua đó có những góc nhìn về xây dựng nông thôn mới; thông qua chia sẻ những kiến thức nêu trên có thể tăng cường năng lực nhận diện các vấn đề trong truyền thông về nông thôn mới nhằm thúc đẩy những điều tích cực hướng tới quá trình thúc đẩy xây dựng nông thôn mới thực chất hơn; thông qua toạ đàm có thể tăng kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí; thông qua trao đổi có thể nắm được thế nào là một tác phẩm xuất sắc khi viết về nông thôn mới.

Theo ông Lê Anh Tuấn, đại diện Cục Văn hoá cơ sở, trong số 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, , Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Chính phủ 2 tiêu chí là tiêu chí số 6 (về cơ sở vật chất văn hoá) và tiêu chí số 16 (về văn hoá). Tiêu chí số 6 và 16 nằm trong 19 tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ quyết định số 491 ra đời năm 2009. Đến năm 2016 thì Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định 1980 là giai đoạn tiếp theo trong đó tiêu chí văn hoá có bổ sung thêm một số nét với mục đích nhằm tăng cường các hoạt động trong tổ chức thiết chế văn hoá. Giai đoạn đầu tiên để xây dựng về văn hoá chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, trang thiết bị. Giai đoạn tiếp theo có thêm tiêu chí là thúc đẩy hoạt động (tiêu chí 6.1, 6.2) và trong đó thì tập trung vào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cơ sở (tiêu chí 16). “Là 1 cán bộ Cục Văn hoá cơ sở thì chúng tôi cũng đi thực tế rất nhiều và theo đánh giá của bà con nông dân thì điều quan trọng nhất để hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới cho đến nay chính là công tác tuyên truyền, vận động của các cấp uỷ, lãnh đạo chính quyền, các cơ quan truyền thông, báo chí. Trong đó các cơ quan báo chí có đóng góp to lớn trong việc tuyên truyền cho người dân, Đảng viên, cán bộ, nông dân hiểu và đồng thuận xây dựng nông thôn mới”, ông Tuấn cho biết.

Đã có nhiều năm gắn bó với nông dân, nông thôn và nông nghiệp, nhà báo Hoàng Trọng Thuỷ, nguyên TBT báo Nông thôn ngày nay cho biết cứ mỗi khi nhắc đến tam nông là ông lại rất hăng hái. Theo ông Thuỷ, con đường đổi mới nông nghiệp của Việt Nam chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là xoá đói từ năm 1980 đến năm 1990; Giai đoạn thứ 2 là giai đoạn tăng trưởng từ năm 1990 cho đến ngày nay, giai đoạn tăng trưởng này chúng ta tập trung cho 3 vấn đề lớn. Một là đầu tư cho nông nghiệp phát triển, hai là nâng cấp về mặt khoa học kỹ thuật, ba là mở rộng quan hệ hợp tác cộng với kết quả của giai đoạn 1. Trong giai đoạn này, nông nghiệp là một trong 3 ngành có thặng dư phát triển kinh tế. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của kinh tế, sự đầu tư cho nông nghiệp phải chia sẻ với những ngành nghề khác dẫn tới khó khăn cho những người làm chính sách về nông nghiệp, người nông dân cũng không muốn con cái làm nông nghiệp. “Do vậy, đến bây giờ chúng ta xây dựng nông thôn mới thì chúng ta cũng phải nghĩ xem là trong giai đoạn 3 tiếp theo (giai đoạn kiến tạo cho nông thôn, nông nghiệp tiến tới no đủ, làm giàu và bước sang phồn vinh) chúng ta phải làm gì?”, ông Thuỷ nói.

Chia sẻ về “góc nhìn của báo chí” trong xây dựng nông thôn mới, nhà báo Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng, “góc nhìn báo chí” mà thúc đẩy, phát triển, định hướng, thì đấy là góc nhìn tích cực. “Góc nhìn thứ 2 là phản biện, có nghĩa là chúng ta tìm ra vết rạn, chúng ta tìm ra lỗ hổng trong chính sách trong thực tiễn để đối chiếu lại để chúng ta xem báo chí chúng ta cần phải làm gì với vai trò là người tuyên truyền và với vai trò định hướng xã hội”, ông Thuỷ cho biết.

Nguyên TBT báo Nông thôn ngày nay cũng cho rằng, đối với 48,8% số xã chưa đạt nông thôn mới, trong đó có 2143 xã miền núi đặc biệt khó khăn thì tới đây, báo chí phải xem đặc thù của các xã đó như thế nào và làm gì để tuyên truyền, để làm cho họ nỗ lực vượt khó, vươn lên và đuổi kịp được các xã đạt được nông thôn mới. Ngoài ra phải làm sao để động viên nội lực của các địa phương đó để bắt nhịp được với xây dựng nông thôn mới.

“Nông thôn mới là gì? Có người cho rằng ở cơ sở chỉ cần thực hiện xong 19 tiêu chí thì đó là nông thôn mới nhưng chưa chắc. Nông thôn mới là nông thôn tạo ra giá trị mới về định hướng cho sự phát triển, nó tạo ra giá trị mới trong sản xuât, hạ tầng, con người, tổ chức bộ máy… Nông dân phải là người lao động, sống bằng nghề nông nghiệp và người ta được quyền về dân sinh và chính sách bảo hộ. Còn nếu chúng ta lại viết rằng nông dân là người lao động nông nghiệp và sống ở nông thôn thì các anh chỉ có tập trung viết về nông nghiệp mà đã viết về nông nghiệp thì chưa chắc như vậy đời sống đã được nâng cao”, ông Thuỷ kết luận.

Theo nhà báo Nguyên Huân, báo Nông nghiệp Việt Nam, nói về báo chí tiếp cận nông thôn mới để viết thì rất dễ nhưng lại cực kỳ khó. "Nếu các bạn tiếp cận theo góc độ 19 tiêu chí thì viết lúc nào cũng được nhưng những bài báo đấy vô cùng nhạt nhẽo, nhàm chán. Cái khó là làm sao để tiếp cận góc nhìn về nông thôn mới để viết bài, từ 19 tiêu chí đấy để xét về góc nhìn phải ra 100 góc nhìn về nông thôn mới trong mỗi tiêu chí”, anh chia sẻ.

Trong khuôn khổ buổi toạ đàm, các đại biểu cũng lắng nghe và giải đáp những câu hỏi từ phía các nhà báo, các sinh viên có mặt tại buổi toạ đàm.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động