Nỗ lực đạt hiệu quả cao khi dạy, học trực tuyến
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTránh việc học trực tuyến như xem truyền hình
Thầy Nguyễn Văn Dũng – Hiệu trưởng trường THPT Hoài Đức A (Hoài Đức) cho biết ngày 6-9, nhà trường bắt đầu dạy trực tuyến. Tất cả hệ thống phòng học đã được mở cho thầy cô lên lớp dạy theo đúng kế hoạch mà Sở đã chỉ đạo. Tuy nhiên, sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với việc dạy học trực tuyến vì dạy học trực tiếp và trực tuyến có sự khác nhau.
“Dạy học trực tiếp thì giữa giáo viên và học sinh có sự tương tác trực tiếp, còn khi dạy trực tuyến thì phải chuyển dữ liệu lên trên mạng để cho các em học sinh tham khảo. Tuy dạy học trực tuyến không thể hiệu quả như dạy học trực tiếp nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để đạt hiệu quả tốt nhất, tăng sự tương tác giữa học sinh và thầy cô giáo, tránh trường hợp buổi học trở thành xem truyền hình.
Để phục vụ dạy học trực tuyến hiệu quả, chúng tôi đã trang bị cho mỗi lớp một phòng Zoom, các thầy cô sẽ lên lớp như bình thường, cái khác là các thầy cô không phải bước vào phòng học mà vào phòng Zoom. Học sinh sẽ học cố định trong 1 phòng Zoom từ đầu buổi đến cuối buổi học để tránh tình trạng ra vào lộn xộn nếu mỗi thầy cô 1 phòng Zoom”, hiệu trưởng trường THPT Hoài Đức A nhấn mạnh.
Lo lắng nhất của nhà trường, phụ huynh và học sinh là đường truyền internet bị trục trặc trong khi đang dạy học trực tuyến. Về việc này, trường THPT Hoài Đức A cũng đã có những phương án khắc phục. “Hiện tại, mỗi phòng học Zoom có thể học liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là đường truyền internet tại các địa phương bị trục trặc khi vẫn có học sinh phản ánh tín hiệu mạng kém, không ổn định, ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Tuy nhiên, việc này có thể khắc phục bằng cách các thầy cô sẽ ghi lại hình ảnh của buổi học bằng phần mềm để nếu có học sinh nào bị trục trặc đường truyền thì các thầy cô chủ nhiệm có thể gửi lại cho các em.
Sau khi đi học trở lại, nội dung tất cả các buổi học Zoom sẽ được chúng tôi ôn lại cho học sinh chứ không đi vào học bài mới luôn. Số tiết ôn lại phụ thuộc vào số lượng tiết học qua Zoom nhiều hay ít. Chúng tôi đã lên phương án cụ thể, chỉ chờ thông báo đi học lại của Sở thì sẽ triển khai”, thầy Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
Xây dựng phương án dạy học phù hợp với học sinh lớp 1, lớp 6
Cùng với cả nước, 2021-2022 cũng là năm học đầu tiên ngành Giáo dục Hà Nội thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6. Các trường học đều ưu tiên mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho 2 khối lớp học này.
Một tiết học trực tuyến của học sinh Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng |
Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) chia sẻ để khắc phục những khó khăn trong việc dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1, nhà trường tổ chức chương trình trực tuyến chào đón học sinh để tạo sự gần gũi, có lồng ghép những lời dặn dò các em. Từng giáo viên chủ nhiệm sẽ bàn bạc kỹ với phụ huynh học sinh để xác định thời gian học, biện pháp hỗ trợ cần thiết cho các em. Căn cứ thực tế, nhà trường sẽ dành từ 1 đến 2 tuần đầu để học sinh làm quen với nền nếp, cách tương tác với cô giáo, các bạn rồi mới triển khai kế hoạch học tập. Đặc biệt ưu tiên dạy nội dung dễ trước, khó sau.
Cô Nguyễn Thị Lan Hương – Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông) cho biết trong thời gian nghỉ phòng dịch, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về các mô-đun cần thiết phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm giáo viên vững vàng, tự tin thực hiện nhiệm vụ năm học. Hiện tại, trường Tiểu học An Hưng đã tập huấn cho toàn bộ giáo viên lớp 2 cũng như các giáo viên trong nhà trường về sách giáo khoa lớp 2 mới. Đến nay, các giáo viên trong nhà trường đang thực hiện các tiết dạy mẫu để các đồng nghiệp trong trường cùng xem, đánh giá, góp ý nhằm xây dựng khung chuẩn nhất, để khi bước vào năm học mới, tất cả giáo viên lớp 2 sẽ đảm bảo đúng yêu cầu của các cấp đề ra về vấn đề thay sách giáo khoa mới.
Cô Lê Thị Thuý Nga – Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, trường THCS Dịch Vọng đã xây dựng kế hoạch năm học mới theo chỉ đạo chung. Giáo viên lớp 6 của nhà trường được tập huấn toàn bộ môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với tất cả tổ nhóm chuyên môn, nhà trường yêu cầu xây dựng một giáo án chung trên cơ sở thống nhất của các tổ nhóm.
“Tuần đầu tiên, nhà trường sẽ để cho học sinh làm quen dần với phần mềm mới, phương pháp dạy học mới. Bắt đầu từ tuần thứ hai sẽ có những tiết dạy thực tập, dạy mẫu để cho tổ nhóm chuyên môn có những đóng góp, xây dựng phương pháp dạy học phù hợp nhất với học sinh lớp 6”, cô Lê Thị Thúy Nga chia sẻ.
Trước đó, sáng 1-9, toàn bộ giáo viên chủ nhiệm của trường THCS Dịch Vọng đã vào lớp đón các em học sinh lớp 6 theo hình thức trực tuyến. Trong buổi đón học sinh này nhà trường cũng mời phụ huynh học sinh tham gia cùng giáo viên chủ nhiệm. Trong buổi đón tiếp, phụ huynh học sinh được hướng dẫn về chương trình học mới, cách đánh giá mới, phương pháp học mới đối với học sinh THCS. Đồng thời, thông báo cho phụ huynh về nội dung chuẩn bị khai giảng. Đặc biệt, để các em học sinh lớp 6 có tâm thế thoải mái nhất khi bước vào năm học mới, nhà trường đã mời Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Nhân Ái chia sẻ với phụ huynh việc đồng hành cùng với con khi bắt đầu cấp học mới.
Về vấn đề dạy học trực tuyến cho học sinh trong thời gian dịch bệnh diễn ra phức tạp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng phương án dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng học sinh; tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn để dạy học trực tuyến cho tất cả học sinh, kể cả lớp 1; tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên về phương pháp dạy học, đánh giá, kỹ năng xây dựng bài giảng trực tuyến để dạy học hiệu quả hơn năm trước; tiếp tục rà soát, kịp thời hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập, sách giáo khoa… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con của gia đình chính sách…, tuyệt đối không được bỏ quên học sinh nào. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại