Những vấn đề pháp lý xung quanh sự việc “bắt vợ”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh trong clip. Ảnh cắt từ clip. |
Được biết, sự việc xảy ra tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Bước đầu xác minh thanh niên trong clip là G.M.Ch, SN 2006, cô gái bị Ch kéo là V.T.S, SN 2008, thôn Sà Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc.
Bên cạnh vụ việc xảy ra tại tỉnh Hà Giang, trên mạng xã hội mấy ngày gần đây lan truyền một clip nghi là "bắt vợ", được cho xảy ra tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trong clip cho thấy, cô gái bị nhóm thanh niên khoảng 5 - 7 người túm chặt tay chân "bắt về làm vợ". Cô gái ra sức chống cự, bám chặt cô gái đi cùng, tuy nhiên vẫn bị nhóm người tách ra và khênh đi dưới trời mưa lạnh. Sau khi clip đăng tải đã thu hút sự chú ý của hàng nghìn người và nhiều ý kiến phản đối về hủ tục này.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thi Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, thủ tục bắt vợ của người mông là một nét truyền thống văn hóa đang có xu hướng bị biến tướng trở thành hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú của công dân. Bởi vậy, với những người lợi dụng tục bắt vợ để xâm phạm đến quyền tự do thân thể của người khác thì có thể bị xử lý hình sự.
Theo luật sư Nguyên, pháp luật Việt Nam tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo, tập quán, văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, với những phong tục tập quán không còn phù hợp với truyền thống văn hóa đạo đức, không phù hợp với pháp luật thì cần phải bị loại bỏ để phù hợp với đời sống văn hóa xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân.
Đối với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng phong tục tập quán để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, trong trường hợp việc thực hiện bắt vợ là tạo hôn hoặc người đã thành niên với người chưa đủ 16 tuổi thì hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Bắt giữ người trái pháp luật", tội "Tổ chức tạo hôn", thậm chí có thể bị xử lý về tội "Giao cấu với người chưa đủ 16 tuổi" hoặc tội "Hiếp dâm" tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Luật sư cho biết trong vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ mối quan hệ tình cảm giữa hai người này, làm rõ độ tuổi của hai người và mục đích của việc bắt giữ cô gái có phù hợp với phong tục tập quán ở địa phương này hay không.
Nếu trường hợp có căn cứ cho thấy đây là hành vi lợi dụng phong tục tập quán lạc hậu để bắt người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể của công dân thì cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự với người vi phạm về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể của công dân.
Luật sư Nguyên viện dẫn Điều 157, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, trường hợp lợi dụng tập quán bắt vợ của người đồng bào dân tộc vùng cao để bắt, giam, giữ người trái pháp luật thì người vi phạm có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp gây ra thương tích từ 31% đến 60% thì hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Trường hợp dẫn đến người bị bắt, giữ chết hoặc tự sát thì hình phạt là phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
“Đây là chế tài rất nghiêm khắc để bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân. Bởi vậy, chính quyền địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng cao cần phải có kế hoạch để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật kiên quyết loại trừ những thủ tục lạc hậu, gìn giữ phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc. Những tập tục không phù hợp với quy định của pháp luật thì cần phải loại bỏ để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền và lễ hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện ra những trường hợp có dấu hiệu lợi dụng phong tục tập quán để xâm phạm đến quyền tự do, thân thể của công dân thì cần phải có biện pháp can thiệp, ngăn chặn kịp thời để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra”, luật sư Nguyên bày tỏ quan điểm.
Điều 157, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau: Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. |
Ông Vương Duy Bảo - nguyên Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL, một người con của dân tộc Mông, khẳng định người Mông không có tục "cướp vợ" hay "bắt vợ" và đây là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ. Trong xã hội phát triển thì quyền cơ bản của con người phải được bảo vệ, pháp luật cần phải được thượng tôn. Bởi vậy, ngành văn hóa - thông tin, lực lượng CA, chính quyền địa phương cần phải có thái độ ứng xử một cách rõ ràng đối với các vụ việc "cướp vợ", "bắt vợ". Tùy mức độ, hậu quả của từng vụ việc để xử lý hành chính hay hình sự, không để tái diễn hàng năm như thời gian qua. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại