Thứ ba 02/07/2024 15:14

Những nỗ lực không ngừng nghỉ vì sân chơi đúng nghĩa cho trẻ em

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cũng đã 6 năm từ khi nhóm “Think Playgrounds!” - Nghĩ về sân chơi trong phố”, bắt tay vào thực hiện dự án tạo ra những sân chơi đúng nghĩa danh cho trẻ em giữa đô thị hiện đại. Đến nay, rất nhiều sân chơi dành cho trẻ em không chỉ ở Hà Nội mà ở nhiều tỉnh thành khác đã được xây dựng.

Theo chia sẻ của các kiến trúc sư thuộc nhóm Think Playgrounds!, nếu như giải trí của người lớn thường là đi cà phê, tụ tập bạn bè, xem phim, đi ăn, du lịch thì với lũ trẻ chỉ cần được ngồi trên xích đu, đứng trên mặt nhún, bập bênh, leo trèo…đã là niềm vui.

Thế nhưng những thứ tưởng chừng như đơn giản lại trở nên “xa xỉ” với trẻ con TP. Hàng ngày các em được nhìn ngắm những tòa nhà hiện đại, cao chọc trời, những ánh đèn lấp lánh rọi chiếu khắp phố phường, cảnh nhộn nhịp nơi đô thị phồn hoa; được sống đầy đủ về vật chất nhưng lại không có không gian vui chơi cho riêng mình.

Trẻ sống ở phố thì chỉ có thể lấy vỉa hè làm chỗ vui chơi nhưng khoảng không ít ỏi này cũng đã bị người lớn chiếm dụng để kinh doanh làm chỗ để xe. Trẻ sống trong ngõ hay tại nhà chung cư thì lấy hành lang, ngõ xóm làm nơi chơi đùa, chạy nhảy, nhưng giờ xe cộ nhiều quá, người cũng đông hơn trước nên có muốn chạy nhảy cũng khó.

Đấy là còn chưa tính đến việc thời gian chơi của trẻ em bây giờ rất ít ỏi bởi các em đều luôn phải vùi đầu vào sách vở, các lớp học thêm và không phải gia đình nào cũng có thể cho con em mình vào những nơi vui chơi “đắt tiền”.

nhung no luc khong ngung nghi vi san choi dung nghia cho tre em
Những sân chơi do nhóm Think Playgrounds! kiến tạo đã mang lại sự hứng khởi cho rất nhiều trẻ em.

Một trong những nguyên nhân khiến sân chơi cho trẻ trở nên “khan hiếm” là do việc đô thị hóa, giờ đây hiếm nhìn thấy khu đất trống nào mà không bị quy hoạch quây lại cho việc xây nhà chung cư, trung tâm thương mại….

Ngay cả những nhà văn hóa ở nhiều khu dân cư cũng đều bị “trưng dụng” thành nơi chơi cầu lông, bóng chuyền… cho người lớn còn trẻ em thì chỉ có thể đi xe đạp, đứng nhìn hoặc có một góc nho nhỏ để chơi. Chính vì còn là trẻ nhỏ, không có tiếng nói nên nhu cầu được vui chơi cho các em thường bị “lãng quên”.

Trong khi đó việc vui chơi ngoài trời, nhất là tiếp xúc với đất cát rất cần thiết và quan trọng đối với trẻ. Khi chạy nhảy, chơi đùa ngoài trời, trẻ không những được vận động, khám phá mà còn mở rộng ngôn từ, phát triển khả năng giao tiếp.

Việc leo trèo, chơi xích đu, bập bênh, nghịch đất, cát…sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng đồng thời tự động “nạp” những kiến thức về thiên nhiên cũng như kỹ năng sống cơ bản cho chính mình. Đó là chưa kể, việc vận động ngoài trời giúp trẻ bớt tật về mắt như cận thị, và giảm bớt nguy cơ của bệnh béo phì do lười vận động.

Từ năm 2015, Hà Nội đã chứng kiến một loạt các sân chơi miễn phí được xây dựng trong nhiều quận nội thành mà trong đó giá trị vui chơi miễn phí đang ngày càng được đề cao. Đây chính là nỗ lực không ngừng của nhóm Think Playgrounds! cùng với sự hỗ trợ nhiệt thành từ phía các DN, cá nhân cũng như các cơ quan truyền thông.

Nhóm Think Playgrounds! đã tìm tòi tạo đồ chơi từ những vật liệu phế thải, tặng các sản phẩm trò chơi miễn phí cho trẻ. Tuy đồ chơi thì không thiếu nhưng lại khó kiếm một khu đất trống phục vụ vui chơi cho trẻ. Từ những sân chơi đầu tiên ở bãi giữa sông Hồng, Tuệ Viên - Bát Tràng và khu Phương Mai.

Đến nay, Think Playgrounds! đã tạo dựng được 176 sân chơi tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhóm đã xây dựng nhiều sân chơi hoàn toàn miễn phí cho thiếu nhi ngay tại khuôn viên các khu tập thể, nhà văn hóa, trong trường học ở các quận, huyện của Hà Nội.

Các thành viên Think Playgrounds! cũng đã tạo dựng những sân chơi ý nghĩa cho trẻ em ở những địa phương xa xôi, còn nhiều khó khăn của đất nước như đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)…

Để sân chơi cộng đồng được biết đến rộng rãi hơn, TPG thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài trời như: Playday (Ngày vui chơi) tại các khu dân cư; sân chơi di động Playstreet ở khu vực phố đi bộ xung quanh hồ Gươm…

Bên cạnh việc trao đổi, liên hệ với cộng đồng dân cư để xây nên những sân chơi cho trẻ thì nhóm cũng thực hiện một phép thử nho nhỏ ở những không gian công cộng trong TP để xem những người trong khu vực đó phản ứng thế nào trước những món đồ chơi tự tạo.

Think Playgrounds đã tiến hành treo “du kích” 6 xích đu tại một số địa điểm trong TP như vườn hoa Lý Thái Tổ, Quan Nhân, Trung Tự, vườn hoa Lý Tự Trọng....Với việc đặt xích đu này, nhóm quan niệm chỉ cần xích đu này còn tồn tại dưới một tán cây lớn thì nơi đó có thể trở thành một sân chơi tiềm năng. Bởi đó là một tín hiệu về sự thay đổi trong cách suy nghĩ về sân chơi của người lớn.

Song song với việc xây dựng sân chơi cộng đồng, Think Playgrounds! khởi xướng chiến dịch với tên gọi Play Campaign nhằm đối thoại với cộng đồng về tầm quan trọng của việc chơi đối với sự phát triển của trẻ em.

Năm 2018, Think Playgrounds! đã tổ chức chiến dịch với các sự kiện: Chơi sáng tạo, Chơi tái chế và Sân chơi mạo hiểm với sự tài trợ của Quỹ giao lưu Văn hóa Pháp – Đức, Viện Goethe Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội L’Espace. Năm 2019, chủ đề của chiến dịch là “Sân chơi Phiêu lưu” với sự tài trợ của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản. Tháng 6-2019, Think Playgrounds! phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thuộc tổ chức Tokyo Play, Tập đoàn Ecopark ra mắt sân chơi phiêu lưu đầu tiên tại Việt Nam.

Sân chơi được vận hành dưới hình thức không gian mở, miễn phí cho cộng đồng và khuyến khích trẻ em chơi tự do, sáng tạo. Không gian sân chơi với các vật liệu như cuốc, xẻng, lốp xe, dây thừng, cành cây khô… không có sự sắp đặt và định hướng mà để trẻ em thoải mái tưởng tượng và sáng tạo bất cứ kiểu chơi nào mà các em muốn.

Các em có thể trải nghiệm một số thử thách “mạo hiểm” hơn so với thông thường như chơi với lửa, nước, dùng búa, đinh làm đồ mộc… Đây là những trò chơi quen thuộc và tự nhiên với thế hệ ông bà, cha mẹ các em, nhưng trong xã hội hiện đại đã không còn phổ biến với trẻ em sinh trưởng tại đô thị. Dịp Tết Thiếu nhi 1-6 vừa qua, Think Playgrounds! đã cùng với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên tổ chức sự kiện “Vương quốc tái chế” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Trong năm 2020, với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, tổ chức PLAN và đóng góp của các khu dân cư, Think Playgrounds! đã có cơ hội tạo dựng thêm 10 sân chơi tại các quận Bắc Từ Liêm, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Ứng Hòa. Trong thời gian tới, nhóm Think Playgrounds! sẽ hướng đến xây dựng sân chơi hòa nhập cho người khuyết tật.

Think Playgrounds! đã được vinh danh với nhiều giải thưởng như: Giải Nhất cuộc thi Green City Solutions (Giải pháp TP Xanh) do Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức với 6 dự án tập huấn cộng đồng xây sân chơi; Giải Ba cuộc thi The Art of Recycle (Nghệ thuật tái chế) do tổ chức UNESCO Việt Nam trao tặng với thiết kế sân chơi “Hành trình lốp” tại thôn Hà Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động