Những “khung cửa sổ” ước mơ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên“Cô ơi, nhà con mất mạng rồi”
Đó là câu nói của cậu bé Nhật ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) khi học được một nửa thời gian trực tuyến và muốn nhường điện thoại cho chị gái học. Cả nhà chỉ có một chiếc điện thoại thông minh của bố nên hai chị em phải chia thời gian ra học. Cảnh gà trống nuôi con, lại “thất nghiệp” những ngày Hà Nội giãn cách nên số tiền vài triệu để mua máy mới cho các con là điều không thể đối với bố Nhật. Thương con chịu cảnh thiệt thòi nhưng bố Nhật không biết phải làm sao.
Nói dối không tốt nhưng có những lời nói dối khiến chúng ta thực sự phải suy nghĩ bởi nó đáng thương hơn đáng trách, nó còn là sự sẻ chia, yêu thương với những người thân của mình, như trường hợp của hai chị em cậu bé Nhật, vì lo lắng cho nhau mà phải nói dối, chấp nhận thiệt thòi để chị, em mình cùng được học.
Bạn tôi có 3 cậu con trai đang tuổi đến trường. Một cháu học cấp 2, 2 cháu học cấp 1. Thời gian học trực tuyến đều diễn ra buổi sáng nên việc phân chia phương tiện học tập vô cùng khó khăn. Máy tính mẹ buộc phải mang đến cơ quan làm việc, còn điện thoại hai bố mẹ cùng để ở nhà cho hai con lớn học. Còn bé út học lớp 1, vợ chồng bạn tôi phải đi vay mượn khắp nơi để mua cho con chiếc máy tính bảng cho con nhìn rõ và thao tác khi học cũng thuận tiện hơn.
“Mùa dịch ai cũng khó khăn về thu nhập nên khi đi vay mượn, chúng tôi rất ngại. Nhưng nếu không làm thế thì nhà tôi cũng không có đủ tiền để mua sắm cho con. Biết là tốn kém nhưng đành phải chấp nhận, chỉ mong các con cố gắng học hành cho tốt. Còn bố mẹ cố gắng tiết kiệm chi tiêu, làm nhiều hơn để bù vào số tiền đã vay mượn”, bạn tôi giãi bày.
Câu chuyện khó khăn về thiết bị học tập không gói gọn trong một vài gia đình như nhà bạn tôi hay cậu bé Nhật, mà là câu chuyện của hàng triệu gia đình trên khắp cả nước.
Theo thống kê ban đầu, tính tới ngày 12-9, có khoảng hơn 1,5 triệu học sinh của cả nước không thể tham gia lớp học cùng các bạn do thiếu thiết bị. Việc tổ chức dạy học trên truyền hình cho lớp 1 và lớp 2, dạy học bổ trợ cho các lớp khác trên truyền hình cũng gặp những khó khăn lớn về thiết bị, sóng và đường truyền.
Thắp lên những ước mơ
Để khắc phục những khó khăn đó, ngày 12-9, lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 65 điểm cầu trên cả nước, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Với kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đây là chương trình có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, thiết thực với hàng triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu gia đình trên cả nước.
Tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tổ chức thực hiện có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ngoài việc hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng dịch thiết bị học trực tuyến, chương trình “Sóng và máy tính cho em” góp phần để chúng ta tiến tới phủ sóng Internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm thực hiện mục tiêu ứng dụng, phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, số hóa việc học tập, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số".
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tiếp cận với máy tính và không gian mạng đối với trẻ em là một trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn, mở ra chân trời mới với nhiều kiến thức rộng lớn, bổ ích và lý thú nhưng cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm đối với các cháu nếu nhà trường, gia đình và xã hội không chủ động có các biện pháp định hướng và đề phòng. Mục tiêu chương trình nhằm mang đến băng thông Internet giá rẻ, với các nền tảng dạy học từ xa và với hàng chục triệu chiếc máy tính cá nhân hỗ trợ các cháu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận sự ủng hộ của Bộ Thông tin và Truyền thông |
Trước đó, ngày 10-9, thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành công văn số 3961/BGDĐT-CĐN phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.
Trước mắt, cuộc vận động “Máy tính cho em” sẽ ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và hướng tới trong năm 2021, huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh hoạt động hỗ trợ, quyên góp, huy động “Sóng và máy tính cho em” là hoạt động thể hiện tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam, đặc biệt mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho tất cả học sinh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hỗ trợ hàng triệu học sinh lúc này là chăm lo cho cả một thế hệ, giảm bớt khó khăn và thiệt thòi cho các em hôm nay là chúng ta giảm bớt gánh nặng xã hội cho hàng chục năm về sau, giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tốc độ và chất lượng phát triển đất nước trong tương lai.
Đường truyền mạng, sóng và thiết bị máy tính cho các em không chỉ là sự kết nối mang tính vật lý và cơ giới phục vụ học tập mà còn là sự kết nối bền chặt hơn giữa con người với con người, sự kết nối các vùng miền và kết nối hiện tại với tương lai.
Khi chúng ta nhìn về một hướng
Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 12-9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ủng hộ chương trình 24.000 máy tính, tương đương số tiền 60 tỷ đồng để hỗ trợ các em học sinh, sinh viên, đặc biệt là trẻ em tại những khu vực khó khăn có đủ điều kiện học trực tuyến trước ảnh hưởng của đại dịch Covid -19.
Đó chỉ là một minh chứng cho sự đồng hành không ngừng nghỉ của các đơn vị, doanh nghiệp đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Các cấp, ngành, đoàn thể, nhiều đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trên khắp mọi miền đất nước đã và đang cùng chung tay mang "Sóng và máy tính cho em". Đó là sự khẳng định về tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cùng nhìn về một hướng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.
Tại Hà Nội, sau vài ngày phát động, chương trình “Máy tính cho em” đã vận động được 2.345 máy tính, điện thoại thông minh và các phương tiên học tập trực tuyến khác, hỗ trợ kịp thời những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có máy tính, điện thoại thông minh để học tập trực tuyến.
Ngoài việc vận động thành công chương trình “Máy tính cho em”, ngành giáo dục Hà Nội cũng đã hỗ trợ cho gần 400 cán bộ giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 600 triệu đồng. Ngoài ra, Công đoàn ngành Giáo dục cũng đã trao 700 túi quà “An sinh Công đoàn” tới các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.
Thống kê từ các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã cho thấy, đến nay nhiều đơn vị đã đủ thiết bị học trực tuyến cho 100% học sinh các trường Tiểu học, THCS như Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai… Đồng thời, nhiều đơn vị đã phát động phong trào ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 được đông đảo cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh tham gia chung tay ủng hộ.
Học sinh huyện Thanh Oai được tặng điện thoại, máy tính để học trực tuyến |
Những chiếc điện thoại, máy tính giờ đây trở thành cây cầu kết nối học sinh, sinh viên với những bài giảng của thầy cô giáo. Đó không chỉ là cây cầu kết nối các em đến với tri thức mà còn là cánh cửa mở ra những chân trời mới, thắp lên những ước mơ tươi đẹp, trở thành động lực để các em không ngừng phấn đấu về một tương lai sáng lạn hơn.
Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái "chân" và thực hành cái "thiện”. Cùng với cuộc chiến không khoan nhượng với giặc "Covid-19", đất nước ta còn đặc biệt chú trọng đến sự nghiệp trồng người, không để em nhỏ nào bị bỏ lại phía sau. Sự quan tâm, yêu thương, chung tay vượt qua gian khó đó chính là bài học quý giá nuôi dưỡng tâm hồn đẹp đẽ, bản lĩnh kiên cường cho thế hệ tương lai.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao các Bộ ngành, địa phương đã hưởng ứng Kế hoạch thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”: "Tôi cũng nhiệt liệt biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng với tinh thần “tương thân tương ái” đã sẵn lòng hỗ trợ Chương trình ngay lập tức. Tôi được biết nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ rất lớn cho Quỹ Vắc xin và hôm nay tiếp tục hành trình nhân ái để kết nối tri thức, kết nối yêu thương, kết nối vùng miền, kết nối tinh thần đoàn kết để góp phần thực hiện khát vọng Việt Nam thịnh vượng, phát triển trong kỷ nguyên xã hội số, đặc biệt là đầu tư cho thế hệ trẻ". |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại