Thứ sáu 22/11/2024 08:26

Những hậu quả chết người từ việc mải mê với điện thoại...

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, câu chuyện một người vợ bị chồng giết vì mải bấm điện thoại khiến nhiều người không khỏi giật mình. Bởi lẽ, xung quanh một thói quen tưởng như vô hại đó lại đã có không ít câu chuyện đáng tiếc xảy ra.
Những hậu quả chết người từ việc mải mê với điện thoại...
Người chồng tại CQCA. Ảnh: CACC

Vợ bị chồng giết vì mải bấm điện thoại

Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ Kenter Jaco Bus Johansen, sinh năm 1960, quốc tịch Hà Lan, sinh sống ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - nghi phạm đã dùng con dao bếp sát hại người vợ của mình.

Theo lời khai ban đầu, trưa 2/5, Kenter JacoBus Johansen cùng vợ là bà L.T.D (sinh năm 1970), con gái là chị T (SN 1998) và các cháu đi ăn tại một nhà hàng ở TP Đà Lạt. Trong lúc ăn, bà D thường xuyên sử dụng điện thoại, không tập trung vào bữa ăn khiến Johansen phải nhiều lần nhắc nhở.

Giữa hai người sau đó phát sinh cãi vã, ông Johansen được chị T sử dụng xe máy chở về nhà trước. Khoảng 2 tiếng sau, bà D trở về nhà, còn chị T có công việc phải đi ra ngoài.

Gặp nhau, bà D và ông Johansen tiếp tục xảy ra cãi vã, trong đó có nội dung đề cập tới vấn đề phân chia tài sản. Không giữ được bình tĩnh, trong cơn cuồng nộ, Johansen chạy xuống phòng bếp lấy hai con dao lên đâm nhiều nhát vào người bà D khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Đối tượng gây án sau đó dùng xe máy đi ra khỏi nhà, mang theo 4 con dao, với ý định dùng 2 con dao chưa gây án để tự sát. Tuy nhiên, khoảng 20h30 cùng ngày, Johansen đến cây ATM ở phường 1, TP Đà Lạt thì bị Công an bắt giữ.

Cũng theo lời khai của Johansen, đối tượng đến Việt Nam từ năm 2006 và thường xuyên qua lại giữa Hà Lan - Việt Nam. Năm 2010, Johansen kết hôn với bà D khi đó bà D đã có hai người con riêng, trong đó có chị T. Johansen nhận hai người con riêng của bà D làm con nuôi.

Tuy nhiên, câu chuyện vợ bị chồng giết vì mải bấm điện thoại trên không phải là lần đầu xảy ra, trước đó, tại Quảng Ngãi, một người đàn ông nửa đêm thức giấc đi vệ sinh, do thấy vợ vẫn đang bấm điện thoại trong phòng khách nên bực tức cầm búa đánh vào đầu khiến vợ chết.

Theo đó, tháng 10/2020, ông Võ Đình Thiện (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) nhậu say và đi ngủ. Khuya cùng ngày, "ma men" này tỉnh giấc đi vệ sinh. Lúc ngang qua phòng khách, thấy bà H.T.Th, vợ Thiện, vẫn còn thức bấm điện thoại, Thiện bực tức cầm búa đánh vào đầu vợ. Phát hiện sự việc, con trai bà Th cùng hàng xóm đưa bà đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Cảnh báo từ những thói quen xấu

Giữa các vụ án này có một điểm chung là mâu thuẫn trong hôn nhân bắt đầu từ chuyện công nghệ chiếm lĩnh cuộc sống. Nhiều nhận định cho rằng, nhân loại đang trải qua một cuộc cách mạng về các mạng xã hội. Bên cạnh những lợi ích, mạng xã hội cũng gây ra những tác hại âm thầm, hủy hoại các kết nối truyền thống, trong đó có các mối quan hệ trong gia đình.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức We are social, thời lượng sử dụng mạng xã hội (MXH) bình quân của người Việt là 2 giờ 32 phút/ngày (thế giới trung bình là 2 giờ 16 phút/ngày). Việt Nam cũng xếp thứ 7 trong số 10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới. Đối với YouTube, Việt Nam nằm trong 10 nước đứng đầu thế giới về lượng người dùng.

Những hậu quả chết người từ việc mải mê với điện thoại...
Việc sử dụng chiếc điện thoại thông minh cùng với việc chìm đắm trong các trang mạng xã hội để lại không ít những hệ quả. Ảnh minh hoạ

Theo kết quả khảo sát về hành vi sử dụng điện thoại di động của người Việt do Apota công bố, tính năng được người Việt sử dụng nhiều nhất trên smartphone là lên MXH. Trong một ngày, lên MXH là tính năng được sử dụng nhiều nhất với 89%, trong một tuần là 78%, vượt xa việc sử dụng vào các tính năng khác.

Trong số 8 ứng dụng đang được người Việt dùng nhiều hằng ngày thì chủ yếu là ứng dụng MXH, ứng dụng MXH cũng chiếm hàng đầu trong số các ứng dụng mới được cài đặt của người Việt. Apota cũng cho hay có tới 75% người Việt chào ngày mới bằng cách vớ lấy điện thoại di động trong vòng 15 phút ngay sau khi thức dậy.

Như vậy, bấy lâu nay, việc sử dụng chiếc điện thoại thông minh cùng với việc chìm đắm trong các trang mạng xã hội để lại không ít những hệ quả.

Khoa học đã chỉ ra những hậu quả khôn lường của việc nghiện facebook và các mạng xã hội. Về mặt sức khỏe, sử dụng mạng xã hội trong một thời gian dài dẫn đến suy giảm các hoạt động sống bình thường của cơ thể do việc sử dụng thường vào những thời điểm nghỉ ngơi như bữa ăn, giờ nghỉ trưa, giờ đi ngủ...

Vừa lướt mạng vừa ăn sẽ làm xáo trộn nhịp sinh học, phá vỡ các cơ chế điều hòa thể dịch, nội tiết của bản thân dẫn đến khó tiêu hóa, khó hấp thu, đầy bụng, chán ăn, ăn không ngon miệng, dễ gây đau dạ dày – đại tràng. Còn nếu sử dụng vào khung giờ ngủ sẽ dẫn đến hay mệt mỏi, khó ngủ, hay thức khuya, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc… Những rối loạn này do nhận phải tác động từ những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội như bình luận “ném đá”, chửi bới, chỉ trích, cãi nhau…

Hơn nữa, theo các chuyên gia tâm lý, việc quá lạm dụng mạng xã hội khiến con người dễ bỏ qua các giá trị khác như giá trị tình thân, giá trị gia đình. Nếu trước đây trong xã hội truyền thống, khi chưa có sự bùng nổ của mạng xã hội, hầu hết những câu chuyện đều thông qua đối thoại trực tiếp. Thì giờ đây nói chuyện trực tiếp dường như khó hơn. Đó là một trong những nguyên nhân khi có mâu thuẫn, cách giải quyết truyền thống thường bị bỏ qua, thay vào đó là những cách giải quyết nóng vội, để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Và rõ ràng, mạng xã hội chỉ là một trong nhiều kênh tham khảo thông tin chứ nó hoàn toàn không phải môi trường sống. Một xã hội dù văn minh đến đâu cũng đều có những giá trị cơ bản không bao giờ thay đổi được, theo các nhà xã hội học, đó là mối quan hệ tình thân giữa con người với con người, là sự đối thoại thông hiểu lẫn nhau.

Tác hại của việc sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động