Những giọt nước mắt đã rơi...
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên“Thương nhớ ở ai” là bộ phim truyền hình do 2 đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh thực hiện, dựa theo tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng.
Mặc dù trước đó, đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng chuyển thể tiểu thuyết này thành phim điện ảnh “Bến không chồng”, gặt hái nhiều thành công nhưng với bộ phim “Thương nhớ ở ai”, kịch bản đã thoát xác khỏi bản điện ảnh và thật sự chạm đến sâu thẳm trái tim của khán giả.
“Thương nhớ ở ai” gây ấn tượng ngay từ tên phim. Một câu hỏi ngắn gọn, giản dị nhưng lại chất chứa nhiều nỗi niềm tâm sự. Đó không chỉ là lời gửi gắm mà lứa đôi dành cho nhau mà còn là sự xót xa, bất lực của tình yêu, lòng hận thù, ganh ghét, đố kị...
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết mới đầu, ông đặt tên phim là “Bến tình” nhưng đã đổi lại là “Thương nhớ ở ai”. Lý do là vì: “Nghe rất mông lung nhưng nội dung rất đúng, bởi người ta thương nhau tới tận cùng nhưng tại sao vẫn đau khổ, bi đát” – đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ.
Quả thật, khó có thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về tình yêu, thứ tình cảm mang đến cho con người những cung bậc cảm xúc khó tả. Có thể nói, sẽ không có một cái tên nào chân chất, gần gũi về đề tài người nông dân lại hay, sâu sắc và tình hơn “Thương nhớ ở ai”.
Xem phim, khán giả sẽ khóc vì thương cảm cho những số phận phụ nữ chịu những định kiến hà khắc của xã hội. Lấy bối cảnh là làng Đông – ngôi làng có nhiều người đàn bà góa chồng thường ra bến nước đầu làng tụ tập. Những tập đầu của phim tập trung vào 3 nhân vật chính: Nhân (Ngọc Anh đóng), Hơn (Hồng Kim Hạnh đóng) và Vạn (Lâm Vissay đóng).
Nhân là người phụ nữ không đến được với người đàn ông mình yêu. Cô sống nội tâm, cô đơn và thường hay dằn vặt bản thân. Mặc dù chồng đã mất, tình cảm vẫn hướng về người cũ – anh bộ đội Vạn nhưng Nhân không thể bước qua được định kiến của xã hội để tìm cho mình hạnh phúc thật sự.
Phim “Thương nhớ ở ai” khiến khán giả vừa xem vừa khóc . ẢNH: ĐOÀN LÀM PHIM |
Hơn- cô con dâu của một gia đình địa chủ, có chồng bị oan sai, bị đem bắn. Hơn bất lực khi tìm mọi cách cứu chồng đều không được. Câu thoại mà Hơn nói với Vạn trong cơn đau khổ: “Xin ông hãy cứu chồng em, ông bắt em làm gì em cũng làm” khiến người xem thật sự xót xa vì sự bất lực cùng cực của một con người thấp cổ bé họng.
Có lẽ, hình ảnh khiến trái tim khán giả không thể không thổn thức là cảnh tại bờ đê của làng, khi Hơn và con trai đứng chờ Vạn lên huyện xin tha tội cho chồng mình. Bóng dáng xiêu vẹo của Vạn, Hơn và cậu bé con trên con đê đầu làng trong buổi chiều tà khiến người xem đau đớn.
Cả hai đều lâm vào cảnh bế tắc, trong khi Hơn mong mỏi kiếm tìm một chút ánh sáng công lý cho chồng mình thì Vạn chạy như con thiêu thân để trốn tránh sự bất công. Họ gặp nhau rồi bước qua nhau trong đau khổ. Đây có lẽ là một trong những cảnh quay đẹp nhất của phim khi mang chất điện ảnh và ẩn dụ khiến người xem phải suy ngẫm.
Cả 3 diễn viên chính đều diễn tốt, đặc biệt là 2 diễn viên trẻ Ngọc Anh và Hồng Kim Hạnh đã có bước lột xác khi khắc họa thành công tính cách, nội tâm của 2 nhân vật chính Nhân và Hơn.
Bản thân đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết quyết định để 2 diễn viên mới đóng vai có sức nặng là khá liều và dựa theo bản năng nhưng từ xưa đến nay, những lần liều lĩnh của ông thường thành công và được ghi nhận hơn là khi lựa chọn kỹ lưỡng. Quả đúng, đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
Một trong số những nhân vật gây chú ý trong phim nữa là Nương (Thanh Hương đóng). Nương vốn là một ả đào bỏ làng quê lên Hà Nội kiếm sống. Cuộc sống khó khăn, cô trở về quê trong sự kỳ thị của mọi người. Cô giúp đỡ một phụ nữ chửa hoang nên càng bị ghét bỏ. Tuy nhiên, Nương rất cá tính, mạnh mẽ và luôn có khát khao được yêu thương.
Cô sẵn sàng đứng lên chống chọi lại luật lệ hà khắc. Đôi mắt long lanh ngấn lệ của Nương khiến người xem không khỏi chạnh lòng. Với diễn xuất cứng cáp, chân thật, Thanh Hương đã tạo nên nhân vật Nương có chút gì đó cong cớn, bất cần nhưng giàu tình cảm yêu thương.
Một trong những điểm sáng nhất về nghệ thuật giúp “Thương nhớ ở ai” ghi điểm mạnh với khán giả là cảnh quay đẹp. Ê-kíp tìm bối cảnh ở 18 làng khác nhau tại 6 tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra. Đây là phim truyền hình được đầu tư kỹ nhất từ trước đến nay khi dùng kỹ xảo cho 2.000 cảnh quay.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ, đoàn làm phim gặp rất nhiều khó khăn khi không tìm được dấu ấn cũ trước sự hiện đại của những ngôi làng. Mấy thứ trên cao như dây điện cột điện không lo, sợ nhất nhà ống, mái fibro xi măng và đường bê tông, thậm chí mặt đê bây giờ rất hiếm chỗ còn đường đất.
Đó cũng là một trong những lí do các nhà làm phim mất nhiều thời gian cho kỹ xảo. “Dù chọn cảnh ưng ý nhưng làng quê Việt Nam bây giờ luôn dính yếu tố hiện đại như cột điện, đường bê tông.
Chúng tôi phải tìm từng góc như giếng nước chỗ này, bờ ao chỗ kia và khi dựng liên kết lại thành ngôi làng hoàn chỉnh. Anh em trong tổ kỹ xảo làm đi làm lại để có hình ảnh chất lượng nhất, thành ra phải mất tới hai năm.
Tôi nghĩ rằng kết quả chưa phải hoàn toàn ưng ý, nhưng đây là bước đi đầu tiên trong quá trình nâng cao chất lượng phim truyền hình”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết. Đạo diễn hứa hẹn phim này mang màu sắc phim điện ảnh từ kịch bản tới cách làm kỳ công.
Phim chiếu được 4 tập và đã làm thỏa mãn người xem về nội dung và nghệ thuật. Phim có nhiều cuộc đời, số phận, sâu thẳm trong trái tim họ đều cô đơn, yếu đuối, khao khát yêu và được yêu.
Tin vui cho phim là theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, kết phim sẽ tươi sáng hơn cho các nhân vật. Chắc chắn rằng, phim sẽ không làm khán giả phải thất vọng bởi nếu để tìm một bộ phim khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt khi vừa xem, vừa khóc về câu chuyện xã hội của ông bà ta xưa kia, đồng thời chỉn chu về mặt hình ảnh thì “Thương nhớ ở ai” là lựa chọn số 1 hiện nay.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại