Hư cấu phim thế nào cho phù hợp với sự thật lịch sử, tránh quá đà?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh trong phim “Đất rừng phương Nam”. Ảnh: Đoàn làm phim |
Bị chỉ trích làm sai lệch lịch sử
Theo chia sẻ của nhà sản xuất, bộ phim "Đất rừng phương Nam" do công ty (Cty) cổ phần (CP) Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film), Cty CP phim Thiên Ngân, Cty CP Galaxy Play và Cty TNHH Trấn Thành Town sản xuất năm 2023. Phim kể về hành trình phiêu lưu của An, cậu bé chẳng may mất mẹ, trên đường đi tìm cha. Cùng với An, khán giả sẽ trải nghiệm sự trù phú của thiên nhiên và nét đẹp văn hóa đặc sắc ở vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh, sự hào hiệp của những người nông dân bám đất bám rừng và tinh thần yêu nước, kháng Pháp.
Qua các suất chiếu sớm, nhiều ý kiến cho rằng, trong phim, câu chuyện về các bang nhóm - trong đó có Thiên địa hội - được dành nhiều "đất". Nhân vật ông Tiều (Tiến Luật đóng) - thành viên Thiên Địa hội - được xây dựng như một người giỏi võ công, cương trực, nhiều lần góp mặt trong các cuộc nổi loạn chống thực dân. Được ông Tiều bao bọc, bé An trở thành người của tổ chức này.
Trong một bài viết có hơn 2.300 lượt chia sẻ, Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân cho rằng, sự hư cấu trong phim làm “sai lệch lịch sử”. Trích dẫn các tài liệu lịch sử, bà Hà Thanh Vân nhận định, phong trào yêu nước kháng Pháp của Thiên Địa hội có diễn ra ở miền Nam, song kết thúc vào năm 1916, sau cuộc nổi dậy cứu Phan Xích Long - người được tôn làm thủ lĩnh các hội kín Nam Kỳ. Trong tác phẩm của Đoàn Giỏi, câu chuyện diễn ra vào cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, năm 1945, không nhắc đến các hội nhóm này. Còn phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có bối cảnh vào thập niên 1920-1930, cải biên so với truyện.
Theo tiến sĩ Hà Thanh Vân, dù phim chỉ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết, ê kíp nên chọn một tên khác để không quá lệ thuộc vào nguyên tác, cũng như bị quy chiếu từ không gian lịch sử của tác phẩm gốc. "Trong một phim như Đất rừng phương Nam, không ai đòi phải giống như nguyên tác, thậm chí có thể là hư cấu. Nhưng nên hư cấu như thế nào cho phù hợp với sự thật lịch sử, tránh đi quá đà" - bà Vân cho hay.
Sau chỉnh sửa sẽ được khán giả đón nhận?
Trước những chi tiết gây tranh cãi trong phim “Đất rừng phương Nam”, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết Hội đồng thẩm định, phân loại phim đã họp và có một số chỉnh sửa cho tác phẩm. Bên cạnh những hình ảnh đẹp, giàu cảm xúc thì một số người cho rằng, đạo diễn Quang Dũng và ê-kíp đã thể hiện chưa đúng, chưa rõ một số chi tiết, gây hiểu lầm với khán giả...
Sau khi có những ý kiến về phim Đất rừng Phương Nam, Cục đã lắng nghe, ghi nhận vì điện ảnh là phục vụ công chúng. Ngày 14/10, Hội đồng thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành thẩm định lại bộ phim “Đất rừng Phương Nam” theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL. Sau đó, Cục cũng đã mời nhà sản xuất, đoàn phim đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim.
Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, nhà sản xuất sẽ bỏ tên và lời thoại liên quan đến “Thiên Địa hội”, “Nghĩa Hòa đoàn” và thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài. Sự thay đổi này để tránh sự liên tưởng đến hội nhóm từ thời nhà Thanh (Trung Quốc). Nhà sản xuất phim cho biết, phần thoại trong phim sẽ chuyển từ “Nghĩa Hòa đoàn” thành “Nam Hòa đoàn” và “Thiên Địa hội” thành "Chính Nghĩa hội”.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất điều chỉnh dòng chữ: “Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi” lên đầu phim nhằm làm rõ hơn ý đồ của nhà làm phim về sự thay đổi mốc thời gian trong tác phẩm văn học, theo sát hơn bản phim truyền hình vốn đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả.
Trước đó, trong buổi thẩm định, phân loại ngày 29/9, toàn bộ thành viên Hội đồng kết luận phim không vi phạm Luật Điện ảnh, cho phép tác phẩm được phổ biến tới người xem mọi độ tuổi, với khán giả dưới 13 tuổi cần có cha mẹ hoặc người giám hộ đi kèm. Phim có biên tập tương đồng với phim truyền hình “Đất phương Nam”, lấy bối cảnh từ những năm 1920-1930, trong khi tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi được xác định là năm 1945. Bản mới thay đổi mốc thời gian vì muốn mô tả ở phần một này bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, nhiều bang hội cũng như nhiều nhóm nghĩa quân.
Theo ông Vi Kiến Thành, bộ phim không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ một thời, bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer. Trên phim, giai đoạn 1920-1930, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh yêu nước còn tổ chức rời rạc. Sau khi Đảng ra đời, các tổ chức được tập hợp lại và đấu tranh có mục tiêu cụ thể. Định hướng câu chuyện là xây dựng nhân vật Hai Thành - cha của An cùng hội của ông sẽ là những thành viên gia nhập Việt Minh về sau.
Được biết, sau khi chỉnh sửa, nhà sản xuất sẽ trình lên Cục Điện ảnh trước khi ra rạp chính thức từ ngày 20/10. Nhà sản xuất Quang Minh cho biết, việc một bộ phim vừa ra mắt nhận được những ý kiến trái chiều không hiếm. Khán giả cũng là những người có trình độ, qua “lăng kính” của người xem, những chi tiết không hợp lý cũng được chỉ ra nhằm làm tác phẩm hay hơn. Những chỉnh sửa sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng tôi tin khán giả có thể đợi để được xem một bộ phim hoàn chỉnh, đúng nhất với thời gian, lịch sử. Sau những ồn ào, Cục Điện ảnh đã kịp thời chấn chỉnh những chi tiết chưa đúng, chưa hay của phim để khán giả yêu hơn phim Việt.
Theo lý giải của nhà sản xuất, việc tự phát nổi lên chống ngoại xâm và cường hào ác bá với nhiều lực lượng phe phái có tính chất địa phương, tôn giáo, chủng tộc lẫn những cá nhân đơn lẻ như Võ Tòng, thầy giáo Bảy là tiền đề cho tinh thần kháng chiến chống Pháp sau này. Câu chuyện phim sẽ được phát triển ở phần tiếp theo để dẫn dắt câu chuyện đến khi các lực lượng yêu nước trong phim tìm được đường lối đấu tranh đúng đắn dẫn đến Cách mạng Tháng Tám.
“Đất rừng phương Nam” được nhà văn Đoàn Giỏi (1925-1989) giới thiệu đến độc giả lần đầu tiên vào năm 1957, với 10 chương. Khi tái bản “Đất rừng phương Nam” vào năm 1966, nhà văn Đoàn Giỏi bổ sung thành 20 chương. Sau đó, năm 1982, khi in “Đất rừng phương Nam” lần thứ 5, nhà văn Đoàn Giỏi có chỉnh sửa vài chi tiết và có bản hoàn chỉnh chinh phục công chúng hơn bốn thập niên qua. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại