Thứ sáu 29/03/2024 17:06

Những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác tranh của họa sĩ Linh Chi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 1-5, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố họa sĩ Linh Chi, tên thật Nguyễn Tài Lương (1921-2016), tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, con gái họa sĩ cùng một số nhà sưu tầm tổ chức buổi Triển lãm tranh giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng của ông.

Chia sẻ về Triển lãm tranh của cha mình, con gái cố họa sĩ Linh Chi cho biết, Triển lãm giới thiệu gần 100 tác phẩm có giá trị đến với công chúng, trong đó có những tác phẩm lần đầu được công bố, cũng có những tác phẩm được họa sĩ sáng tác từ những năm 50 của thế kỷ trước, hay những bức vẽ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều tác phẩm được họa sĩ vẽ xuyên suốt từ những năm đó cho đến những năm cuối đời.

Những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác tranh của họa sĩ Linh Chi
Họa sĩ Linh Chi lúc sinh thời

Họa sĩ Linh Chi sinh năm 1921 tại thị xã Vĩnh Yên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Quê gốc của ông ở Quế Võ, Hà Bắc (nay là Bắc Ninh). Họa sĩ Linh Chi là người có tình yêu mãnh liệt với hội hoạ. Ông vẽ mọi lúc, mọi nơi với những đề tài phong phú như phụ nữ mặc áo dài, các cô gái dân tộc, tranh phong cảnh (làng quê, phố phường, sông hồ, biển bạc,…).

Sau khi học xong bậc tiểu học ở Vĩnh Yên, năm 1938, ông và người em (nhà văn Trọng Hứa) được gia đình đưa ra Hà Nội để tiếp tục học Trung học. Năm 1942 ông đậu bằng Diplomere và tiếp tục học Tú Tài ở trường Thăng Long. Người dạy văn hóa cho ông thời kỳ này là các thầy giáo Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai. Còn các thầy dạy hội họa là Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quang Trân…

Những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác tranh của họa sĩ Linh Chi
Bức tranh chân dung người phụ nữ miền núi

Đam mê hội họa từ nhỏ nên trong những năm tháng học Trung học, họa sĩ Linh Chi đã có mơ ước thi vào trường Beaux Arts de L’indochine. Tuy nhiên lúc này Nhật đã vào Đông Dương, các trường do người Pháp quản lý tạm thời đóng cửa. Với vốn kiến thức về hội họa được tích lũy qua việc tự học cũng như qua các bài giảng của các thầy ở trường phổ thông, họa sĩ Linh Chi tiếp tục “vác” giá vẽ đi đến nhiều vùng quê, miền núi thuộc các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang…để lấy nguồn cảm hứng sáng tác.

Năm 1942, trong khi đi vẽ ở Hồ Tây, họa sĩ Linh Chi tình cờ gặp một họa sĩ người Pháp tên là Lucien Sylvie đang đi nghỉ dài ngày, dừng chân tại Hà Nội để sáng tác. Với kinh nghiệm của một họa sĩ đã thành danh ở Pháp, ông đã chỉ cho họa sĩ trẻ Linh Chi biết các giá trị nghệ thuật chân chính mà người nghệ sĩ cần đạt tới.

Họ thân và hợp nhau nhiều điểm từ tính cách cho đến sở thích, đặc biệt về quan điểm hiện đại trong hội họa đương thời. Hai họa sĩ cùng nhau đi vẽ ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Những tác phẩm của họa sĩ Linh Chi được danh họa người Pháp đánh giá cao, thậm chí còn khuyên ông nên trưng bày cho mọi người cùng thưởng thức.

Những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác tranh của họa sĩ Linh Chi

Từ khi còn học Trung học phổ thông, họa sĩ Linh Chi đã thường xuyên được tiếp cận tư tưởng hội họa mới mẻ, phong phú trong nước và quốc tế, thông qua những kiến thức, kinh nghiệm của 4 họa sĩ bậc thầy là Trần Bình Lộc, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Phan Chánh.

Họa sĩ Linh Chi thuộc lớp họa sĩ thế hệ thứ hai trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông từng tốt nghiệp trường Mỹ thuật Việt Nam và là học trò của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác tranh của họa sĩ Linh Chi
Bức tranh về những người phụ nữ Dao Đỏ

Năm 1944, ông đã trình làng bộ sưu tập tranh gồm 43 bức tranh sơn dầu và bột màu tại Nhà Thông tin Tràng Tiền, Hà Nội. Năm 1950, ông trưng bày tranh tại Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang nhân kịp khai mạc Hội nghị thi đua của Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc và Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc.

Một phòng tranh khi ấy tuy đơn sơ nhưng lại cuốn hút mọi người bởi ý tưởng, thông điệp ý nghĩa. Tham dự Hội nghị, Bác Hồ đã dẫn một vị khách quý người Pháp tên là Léo Figuère đến xem phòng trưng bày tranh của họa sĩ Linh Chi và ngợi khen các tác phẩm của ông.

Những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác tranh của họa sĩ Linh Chi

Từ năm 1951-1953, họa sĩ Linh Chi được tham gia khóa học mang tên “Khóa hội họa kháng chiến” do bậc thầy Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy. Những người thầy của khóa học này còn có các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Bùi Trang Tước….Các học viên của lớp gồm 22 người, trong đó có nhiều người thành danh sau này như các họa sĩ Linh Chi, Trần Đông Lương, Trịnh Phòng, Ngô Mạnh Lân, Đặng Đức, Lê Huy Hòa…

Vừa học tập, vừa hòa mình vào đời sống gian khổ nhưng kiên cường của quân dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ, họa sĩ Linh Chi đã tìm cho mình những nét độc đáo riêng trong phong cách sáng tác. Kết thúc khóa học, họa sĩ Linh Chi được phân công về Nhà in quốc gia công tác, sau đó chuyển sang làm việc tại Xunhasaba (cơ quan xuất nhập khẩu sách báo). Giữa bộn bề công việc, ông vẫn dành thời gian tiếp tục cống hiến cho hội họa.

Những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác tranh của họa sĩ Linh Chi

Năm 1971, Triển lãm tranh Linh Chi với 73 bức tranh sơn dầu, lụa, bột màu được tổ chức tại số 10 phố Hàng Đào do Hội Mỹ thuật Việt Nam bảo trợ. Tháng 5-1988, Triển lãm tranh Linh Chi tại số 19 phố Hàng buồm do Hội Văn nghệ Hà Nội bảo trợ gồm với 90 tác phẩm tranh sơn dầu, lụa, bột màu đã tạo được tiếng vang lớn trong giới hội họa.

Giá trị nhân văn trong tranh của họa sĩ Linh Chi chính là sự kết hợp hài hòa giữa thái độ ứng xử trước hiện thực và lý tưởng nghệ thuật. Tranh phong cảnh của họa sĩ Linh Chi có sự khác biệt ở bố cục và màu sắc, làm tăng cảm xúc cho người xem. Trong khi đó, mảng tranh sinh hoạt miền núi của ông lại gần gũi, tinh khiết như nắng mai. Tranh chân dung được sáng tác bởi họa sĩ Linh Chi cũng mang đến cho công chúng sự chân thực, mộc mạc, trong trẻo và tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

Với tài năng, đam mê và phong sách sáng tạo riêng biệt, họa sĩ Linh Chi đã cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam, Bảo tàng các dân tộc Phương Đông ở Moscow (Nga), Bảo tàng châu Á và Thái Bình Dương ở Vác-xa-va (Ba Lan) và có mặt trong nhiều sưu tập cá nhân ở Pháp, Ý, Hà lan, Thụy sĩ, Thụy điển, Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, Nam Tư, Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản,…

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động