Thứ năm 09/05/2024 09:41

Những cảnh báo từ hiện tượng liên tiếp diễn ra các vụ học sinh tự tử

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên tiếp trong những tháng gần đây đã xảy ra khá nhiều vụ học sinh, sinh viên tự tử. Các em thiệt mạng để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình. Dư luận xã hội hầu hết thường cho rằng, đó là hành động bồng bột, nhưng đằng sau đó còn là nhiều lí do không ngờ tới, mà mỗi người chúng ta, chưa chắc đã vô can.

Ngày 16-3, em Đỗ Du L (15 tuổi, học sinh lớp 9 trường THCS Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) được phát hiện nổi trên sông Thái Bình. Làm việc với cơ quan CA, gia đình em L cho biết, ngày 15-3, em L tự ý đi cắt ngắn tóc, nên khi về nhà bố mẹ có quát mắng vài câu. Có thể trong lúc nghĩ quẩn, nữ sinh này đã nhảy cầu tự tử.

Ngày 11-3, nữ sinh H.T.L (học sinh lớp 11, trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tự tử dưới ao trong nhà, để lại bức thư tuyệt mệnh với nội dung “con xin lỗi bố mẹ” khiến dư luận xôn xao. Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của L được cho là vì clip ghi lại cảnh L và một bạn trai trong lớp hôn nhau bị lan truyền trên mạng xã hội. Đặc biệt, trong số đó có những fanpage, trang thông tin có hơn 1 triệu lượt người theo dõi đã đăng tải clip của L không che mặt.

nhung canh bao tu hien tuong lien tiep dien ra cac vu hoc sinh tu tu
Hiện trường vụ việc nam sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Nội rơi từ tầng 8 xuống đất.

Chiều 15-3, nữ sinh viên L.T.T.T (20 tuổi) của trường ĐH Công nghệ thông tin đã tử vong nghi do nhảy lầu tự tử trong kí túc xá Làng ĐH Quốc gia TPHCM. Theo báo cáo của nhà trường và các bạn sinh viên ở cùng phòng thì em T có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, hay bị ngất, ăn uống thất thường và ngủ li bì. Qua quá trình kiểm tra, CQCA tìm thấy sổ khám bệnh và đơn thuốc ngày 16-2 của em T tại BV Tâm Thần TP HCM điều trị bệnh rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm.

Ngày 3-1, nữ sinh T.T.P.L lớp 7, trường THCS Tân Lâm (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã treo cổ tự vẫn trong phòng học. Lúc này, trong lớp còn mỗi em L. Khoảng 30 phút sau, có cô giáo đi qua phát hiện sự việc vội vàng vào cấp cứu nhưng không kịp. Trước khi chết, em L đã để lại một bức thư tuyệt mệnh bằng tiếng Việt và tiếng Anh trên bàn học. Nội dung bức thư đề cập tới việc trong thời gian gần đây nữ sinh đã gặp những vấn đề trong cuộc sống và không thể nào giải quyết được nên đã dẫn đến kết cục đau lòng này.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, sự việc hình ảnh nữ sinh trên “hôn bạn trai” đã bị tung lên mạng và thu hút hàng nghìn lượt like, share, bình luận, chém gió… Trong phút chốc, nữ sinh tội nghiệp bỗng trở thành tội đồ và không chịu nổi áp lực của dư luận. Vậy, có ai trong chúng ta dám khẳng định 100% rằng mình chưa hề tham gia ném đá, bình phẩm về ai đó (mà chúng ta chưa biết thực hư sự việc thế nào), ở đây, thậm chí một cái like thôi cũng đủ “ném” thêm một viên đá áp lực vào một nạn nhân nào đó rồi. Đây thực sự là hồi chuông báo động về thực trạng các trang mạng xã hội bị lợi dụng để phục vụ ý đồ cá nhân, câu view, câu like.

Trước đây, cố PGS Văn Như Cương cũng từng chia sẻ rằng, trước kia thanh niên không có tâm lý muốn nổi trội, muốn khẳng định mình, đề cao mình nhưng hiện nay, tâm lý thích nổi trội là khá phổ biến và hết sức lệch lạc. Tâm lý của một bộ phận các em học sinh hiện nay không ổn định và đi lệch về mặt nhận thức.

Các học sinh ngày nay có thể vì một biến động nào đó và do tiếp xúc với các nền văn hóa nước ngoài nên các em không chỉ dừng lại ở suy nghĩ mà hành động thật. Đó là những yếu tố không lành mạnh. Đối với các thầy cô giáo, cha mẹ và người lớn xung quanh các em, không thể dùng ngôn ngữ xúc phạm vì các em đều đã nhận thức được điều đó.

Các thầy cô giáo cũng không được đay nghiến, chỉ trích các em ngay trên lớp. Thầy cô cần có thái độ tôn trọng học sinh chứ không được áp đặt. Vì vậy, ngoài những giờ giảng trên lớp, các thầy cô giáo cần phải quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em học sinh đang có nhiều biến động. Giáo dục của chúng ta về kỹ năng sống cho học sinh hiện đang là khâu yếu nhất.

Quan trọng không phải là điểm số mà cần giáo dục để học sinh nhận ra cái nào là sai, cái nào là đúng, cái nào là trung thực, cái nào là giả dối. Trong quá trình giáo dục chúng ta cần lồng ghép những câu chuyện thực tế giúp các em có hành vi ứng xử đúng đắn hơn.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa phân tích thêm, các cháu trong các vụ tự tử vừa qua đều đang ở lứa tuổi vị thành niên, vì vậy tâm lý thường sáng nắng chiều mưa. Lúc này các cháu có thể đồng ý với cha mẹ thầy cô nhưng sau đó có thể thay đổi quyết định ngay lập tức.

Ngoài ra, các cháu còn bị ảnh hưởng bởi phim ảnh và internet. Các cháu thấy rằng trên phim ảnh, internet cũng có trường hợp như thế và làm theo mà không biết hậu quả như thế nào. Ở lứa tuổi này các cháu muốn khẳng định rằng mình dám làm mọi việc mà không nghĩ đến hậu quả sự việc gây tổn thương, rắc rồi cho bao nhiêu người.

Trong khi đó, những người lớn ở đây là các phụ huynh, giáo viên lại không để ý việc các em đang có những biến động tâm lý lớn như vậy.

Bên cạnh đó, việc các phụ huynh thì cứ lo kiếm tiền, mà quên đi trách nhiệm đối với con cái. Họ phó mặc con cái cho nhà trường, gia sư thậm chí là người giúp việc để giáo dục. Ở độ tuổi này, các cháu không có sự giáo dục của gia đình thì sẽ nhặt nhạnh ở mỗi nơi một chút. Những điều các cháu tiếp nhận được đều là những cái các cháu rất thích thú nhưng không phải bao giờ cũng là những cái đúng.

Trong các mâu thuẫn xảy ra, người lớn phải hướng dẫn và giúp đỡ các em chứ không phải là có quyền áp đặt theo suy nghĩ của người lớn. Các em không chịu nghe theo suy nghĩ đó nên để xảy ra những việc đáng tiếc như vậy. Ở đây, người lớn không chỉ dùng quyền mà phải còn hành động bằng cả trách nhiệm đối với các em.
Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động