Chủ nhật 19/05/2024 10:43

Nhớ gian bếp của mẹ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thuở ấy, trong đầu óc ngây thơ của lũ trẻ chúng tôi, cái gian bếp nhỏ bé, cũ kỹ kia chẳng có gì đẹp đẽ, có chăng, nó chỉ được nhớ đến khi bụng đói cồn cào… để đến bây giờ khi đang đứng ở một nơi rất xa, vô tình nhìn thấy làn khói phương nào trôi dạt, bỗng chạnh lòng nhớ không gian thân thương ấy.

Không biết gian bếp nhỏ ấy, có từ khi nào, có lẽ từ thời ông bà, các cụ, chỉ biết rằng khi tôi có nhận thức, biết đánh giá xấu đẹp thì gian bếp đã hiện hữu ở đó, bao năm trôi qua, không gian ấy đã gắn với cả tuổi thơ của tôi, no ấm, vui buồn, khắc khoải cũng ở đó. Bề ngoài đã cũ kỹ nhưng nền gạch, nền xi măng vẫn rất chắc chắn, chỉ có bụi tro, mạng nhện là dày lên theo năm tháng.

Gian bếp nhỏ xíu, hơn chục mét vuông mà lúc nào cũng đầy ăm ắp, ấm cúng. Một bồ thóc to hết vơi lại đầy, củi dâu chất thành đống, vỏ trấu, rơm rạ lúc nào cũng sẵn, thúng, mủng, dần, sàng được mẹ gác gọn lên cao, trên những thanh gỗ ngang chắc chắn và một khoảng trống để kê chạn bát từ hồi các cụ để lại, trông đã cổ kính lắm nhưng được cái chẳng mối mọt gì. Ngần ấy thứ đã đủ chật chội, nhưng thiếu đi vật dụng gì là nom trống trải khoảng ấy.

Gian bếp ấy ngày nào cũng đỏ lửa. Mẹ tôi bảo, vào nhà, nhìn gian bếp là người ta đánh giá gia đình có hạnh phúc hay không, người phụ nữ khéo léo nhường nào. Ngày ấy, chưa hiểu được những điều sâu sa mẹ nói, chỉ biết rằng, bếp của mẹ lúc nào cũng ấm nóng, sáng, trưa, chiều với những mùi dân dã mà đến giờ dù đi đến nơi nào tôi cũng không thể nào quên.

nho gian bep cua me
Ảnh minh họa

Mùi cơm chín gạo nương thơm nức mũi trên bếp củi nơi mà khi lớn hơn một chút, tôi được mẹ răn dạy về bài học “cơm sôi, bớt lửa” trong mối quan hệ giữa những con người. Mỗi chiều đi học về, có lẽ đó là nơi thu hút nhất, tiếng lục bục khi cơm sôi, mùi cháy cạnh thơm giòn khi mẹ bắc sang bếp than hồng bên cạnh, chúng tôi xuýt xoa hơ đôi bàn tay ngồi quây tròn bên bếp chờ giờ cơm những ngày đông buốt giá. Tôi thích nhất món cá kho tương của mẹ. Sau thời gian đun sôi liu riu là lúc ủ than trấu. Đến ngày hôm sau cá đã nhừ mục cả xương. Thịt cá săn chắc, thơm bùi khiến nồi cơm hết veo.

Gian bếp đơn sơ, giản dị ấy cũng chứa đựng nếp sinh hoạt không thể bình dân hơn. Bữa cơm canh đạm bạc với những món dân dã của mẹ nhưng mâm cơm lúc nào cũng đủ các thành viên, rộn rã tiếng cười đùa. Trên chiếc thúng to lật úp, mâm cơm đặt lên đủ một món rau, món mặn và bát nước chấm, tất cả được bày lên loại đĩa tráng bằng men xưa chẳng bao giờ vỡ mà cứ đưa cơm ngon đến tận cháy nồi.

Món ăn vặt mỗi buổi chiều cắp sách đi học về khi bụng đói meo là những củ khoai nướng thơm nức mũi, chỉ về đến đầu ngõ thôi, là đã thấy rạo rực trong lòng. Bảo sao anh em tôi ngay ấy, cứ quẩn quanh chốn bếp với mẹ.

Gian bếp ấy cũng là nơi mẹ để những gánh chuối mang ra chợ bán mỗi sớm tinh mơ, mùi chuối chín, mùi hương giấm, giờ chỉ nghĩ đến thôi tôi đã muốn hít hà cho no nê, thỏa thích. Hóa ra, nơi ấy là nơi mẹ đã gồng gánh cả niềm vui, nỗi khổ, những âu lo, hạnh phúc của cả gia đình.

Gian bếp ấy giờ được thay bằng một phòng bếp to đẹp hơn, tiện nghi hơn. bếp củi, than, trấu, rơm không được trưng dụng nữa, những vật dụng hay cót thóc cũng chuyển ra ngoài kho, những món dân dã của mẹ vẫn ngon, vẫn đượm, gian bếp vẫn ăm ắp tiếng cười, nhưng một lúc nào đó, tôi vẫn rất nhớ gian bếp ngay xưa, nơi đã nuôi lớn tâm hồn tôi…

Mai Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động