Nhiều tiềm năng nhưng vẫn… manh mún?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBối cảnh phim thu hút khách nội địa
Triển lãm "Di sản tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch Việt Nam" nằm trong khuôn khổ Hội nghị hiệp hội các Viện Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVAA) lần thứ 25 năm 2021 do Viện Phim Việt Nam đăng cai tổ chức.
Theo tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa thuộc Liên hiệp quốc (UNESCO), phim hình ảnh động là những tư liệu lịch sử quý của mỗi dân tộc và nhân loại vì vậy phim hình ảnh động được coi là di sản văn hóa. Với khả năng phổ biến rộng rãi, gần gũi với thực tế, tư liệu, hình ảnh động có sức lan tỏa nhanh tới mọi đối tượng, vượt qua biên giới đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
|
Bằng những tư liệu, hình ảnh sưu tầm và đang lưu trữ, triển lãm giới thiệu khoảng 120 ảnh bối cảnh quay đặc sắc tại các vùng miền của Việt Nam. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, khung cảnh mênh mông rộng lớn của biển cả, sự huyền bí, lôi cuốn của các hang động, nét tươi mới trù phú của những cánh đồng, thửa ruộng bậc thang… trên khắp các vùng miền của Việt Nam dưới ống kính của các nhà làm phim đã tạo ra sức hút kỳ diệu trong các thước phim sống động.
Với khả năng truyền tải kỳ diệu qua hình ảnh, hy vọng, điện ảnh sẽ trở thành cầu nối giao lưu văn hóa giữa các nước, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với đông đảo người xem trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh triển lãm, những hình ảnh ở rất nhiều bộ phim: “Mùa len trâu”, “Chuyện của Pao”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”… được trưng bày, cho thấy diện mạo cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam rất nhiều sức hút.
Thực tế là quảng bá du lịch dựa vào phim có nhiều hiệu quả, bằng chứng là bối cảnh của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã thu hút khách du lịch đến với Phú Yên nhiều hơn, cũng tương tự, cảnh quay tại Huế của “Mắt biếc” thu hút không ít khách du lịch đến với Huế…
Và rộng dài hơn ở tầm nhìn quốc tế
Lịch sử điện ảnh thế giới, khu vực và trong nước đã cho thấy, bối cảnh những bộ phim nổi tiếng đều đã trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách. Chỉ cần một bộ phim hay, ghi dấu ấn trong lòng khán giả thì ngay lập tức vùng đất được sử dụng làm bối cảnh quay ấy cũng ghi dấu trong tâm trí người xem và sau đó sẽ trở thành niềm mơ ước, khát khao được đặt chân tới địa danh ấy. Ví dụ Hollywood đã chọn ngôi đền Ta Prohm trong quần thể Angkor làm phim trường để nữ diễn viên lừng danh Angelina Jolie đóng "Bí mật ngôi mộ cổ". Khi bộ phim tạo cơn sốt tại nhiều quốc gia trên thế giới, thì lượng du khách đổ đến địa danh này cũng tăng đáng kể.
Theo Cơ quan Phát triển du lịch Campuchia thì đến năm 1999, lượng du khách đến Angkor chỉ đạt khoảng 50.000-60.000 khách/năm. Cho đến khi Hollywood chọn ngôi đền Ta Prohm làm bối cảnh quay phim này, rồi tung ra chiếu tại hàng trăm quốc gia trên thế giới thì du khách khắp nơi đã đổ về Seam Reap để khám phá đền Ta Prohm, với con số bất ngờ. Chỉ trong năm 2001 - năm trình chiếu bộ phim - lượng du khách đổ về đây tăng: 250.000 du khách nước ngoài và 10.000 du khách trong nước.
Thực tế là du lịch Việt Nam đã không ít lần được quảng bá bằng phim ảnh, lần gần đây nhất, có bài bản nhất là việc Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình đón đoàn làm phim “Kong: Skull Island” đến quay bối cảnh. Đoàn phim “Kong: Skull Island” quay tại Việt Nam được tạo mọi điều kiện hoạt động, cơ quan quản lý văn hóa cũng như các tỉnh đã có hẳn văn bản về sự ký kết quảng bá du lịch với đoàn phim. Các diễn viên của đoàn phim liên tục cập nhật, quảng bá về hình ảnh Việt Nam trên trang cá nhân của họ, phim trường của “Kong: Skull Island” cũng được giữ lại để làm địa điểm tham quan ở Ninh Bình, các cảnh quay của đoàn phim về 3 khu di sản thiên nhiên tuyệt đẹp của Quảng Bình, Hạ Long, Ninh Bình được Sở VHTT&DL các tỉnh sử dụng để quảng bá du lịch. Thành công về doanh thu của bộ phim trên toàn cầu cũng giúp du lịch Việt Nam được quảng bá rộng rãi hơn với công chúng, khách quốc tế.
|
Tiềm năng như vậy nhưng các hoạt động quảng bá của chúng ta vẫn manh mún nhỏ lẻ. Sau “Kong: Skull Island”, từ đó đến nay chưa có thêm đoàn phim Hollywood nào tới. Mọi việc trầm lắng hơn bình thường, cũng có thể do điện ảnh thế giới bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh, sự đi lại của các đoàn phim bị hạn chế, nhưng câu chuyện phát triển “hậu covid-19” thì sao? Tất nhiên chúng ta phải nghĩ tới.
Năm 2020, đại diện tỉnh Quảng Bình cho biết, DJ nổi tiếng thế giới Alan Walker đã có kế hoạch sang quay MV tại Quảng Bình. Năm 2021, hàng loạt phim Hollywood cũng sẽ quay tại đây, trong đó có “Mission Impossible”. Tuy nhiên, mọi thứ dang dở vì dịch bệnh. Nhưng câu chuyện này cho thấy, quảng bá du lịch bằng phim ảnh cũng cần sự nhập cuộc, chủ động quảng bá của từng địa phương.
Thực tế là cần coi kênh phim ảnh là một kênh chính thức để giới thiệu du lịch – giống cách làm của Hàn Quốc, thì chiến lược, cách làm mới bài bản, và dài hơi được. Ví dụ tỉnh Quảng Bình với nhiều nỗ lực nhằm xây dựng sản phẩm du lịch tốt và có chiến lược quảng bá hiệu quả như tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, mời các hãng truyền thông trong nước và ngoài nước đến ghi hình.
Còn nếu chỉ chờ bộ phim nào nổi, có doanh thu rồi sau đó mới dựa vào phim để quảng bá du lịch, triển lãm thì cách làm vẫn là những bước đi sau, manh mún, nên sẽ bỏ lỡ tiềm năng rất lớn trong việc quảng bá du lịch dựa vào điện ảnh.
Quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng YouTube | |
Nếu chỉ dựa vào cảnh đẹp… là thua! | |
Việt Nam làm 2 phim tài liệu nghệ thuật quảng bá du lịch |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại